Kiện "đại gia" ra tòa
Theo tài liệu phóng viên NTNN có được, ngày 12.5.2011, phía Bianfishco có ký hợp đồng số 0091/HĐNL/5/2011 để mua 400 tấn cá tra nguyên liệu của ông Nguyễn Văn Liền, thường trú phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, với giá 27.700 đồng/kg, trị giá trên 10,7 tỷ đồng. Công ty còn mua của bà Phạm Thị Mai (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) 800 tấn cá nguyên liệu với tổng số tiền là trên 21,3 tỷ đồng. Theo hợp đồng, phía Bianfishco cam kết thanh toán sau 10 ngày kể từ ngày nhận hàng là 50%, còn lại 50% sẽ thanh toán trong thời hạn 10 ngày tiếp theo.
|
Nữ đại gia đang tạm lánh ở Mỹ. |
Sau gần 1 năm nhận hàng, công ty chỉ mới thanh toán được trên 14 tỷ đồng. Bà Mai và ông Liền bức xúc: "Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty thanh toán dứt điểm theo hợp đồng đã ký nhưng lãnh đạo công ty cố tình lẩn tránh".
Trước tình cảnh trên, ngày 21.11.2011, ông Liền và bà Mai làm đơn khởi kiện Bianfishco và ủy quyền cho luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP.Cần Thơ) về việc "Thu hồi khoản nợ mua bán nguyên liệu cá tra mà Bianfishco đang nợ quá hạn theo cam kết trong hợp đồng mà công ty đã ký với khách hàng".
Để trấn an dư luận, ngày 4.12.2011, bà Diệu Hiền có công văn gửi đến các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương để "thanh minh" về sự việc trên: "Thực tế là do có sự tác động dây chuyền từ vụ một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Khu Công nghiệp Trà Nóc bị mất khả năng thanh toán. Một số ngân hàng đã lo ngại sẽ phải gặp rủi ro tương tự nên đã vận dụng chủ trương siết chặt tín dụng. Bianfishco dù đang là doanh nghiệp "uy tín" nhưng ít nhiều chịu tác động từ chủ trương này; kế hoạch thanh lý hợp đồng với một số bà con từ đó cũng bị ảnh hưởng".
Qua Mỹ… đòi nợ?
Mới đây, 16 hộ nông dân nuôi cá vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cấp lãnh đạo nhờ tìm giải pháp cứu giúp nông dân. Ông Lê Văn Chiến - đại diện cho các nông dân còn bị nợ tiền bán cá nói: "Nông dân chúng tôi không có nhiều vốn, phải đem tài sản thế chấp cho ngân hàng, bạn bè để đầu tư nuôi cá. Nào ngờ khi bán được cá thì công ty chiếm giữ không thanh toán đã đẩy nhiều hộ gia đình nông dân chúng tôi rơi vào cảnh bần cùng không lối thoát".
|
Nông dân kéo đến nhà bà Diệu Hiền đòi nợ. |
Nhiều nông dân bị nợ kéo dài từ hàng chục triệu đồng đến vài tỷ đồng. Như bà Nguyễn Thị Châu (Thốt Nốt) còn bị nợ chưa tính lãi hơn 12 tỷ đồng, bà Huỳnh Thị Ngộ (Ninh Kiều) bị nợ trên 40,5 tỷ đồng, ông Tre và bà Bích bị nợ 2,5 tỷ đồng…
Không chỉ nông dân mà một số chủ doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, cán bộ đương chức, người về hưu cũng bị Bianfishco chiếm dụng vốn, như ông K còn bị nợ 39 tỷ đồng, ông V còn bị nợ 41 tỷ đồng…
Theo nguồn tin từ Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Cần Thơ) cho biết: Bà Diệu Hiền không chỉ đầu tư trong nước, mà còn đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ. Theo tuyên bố của bà này, văn phòng giao dịch của công ty tại khu vực thương mại sầm uất nhất của TP.Beverly Hills (Mỹ) trị giá khoảng 8 triệu USD (!).
Ngoài ra, bà Hiền còn xây dựng Bianfishco Market tại thành phố này, bao gồm: Chợ đầu mối, nhà hàng thủy cung kết hợp du lịch, các đại lý, cửa hàng bán sỉ, bán lẻ. Cũng theo bà Hiền, đây là một trong những mô hình của 8 dự án mà Bianfishco sẽ đầu tư xây dựng tại San Francisco, New Jersey, Los Angeles, Honolulu, New Orleans, New York, Miami và Chicago.
Nông dân Phạm Thị Mai lo lắng: “Bianfishco còn nợ tôi số tiền lên đến trên 18 tỷ đồng. Mặc dù trước đó hứa đến cuối tháng 12.2011 sẽ trả hết nợ gốc và lãi nhưng đến giờ phía bà Diệu Hiền chẳng đoái hoài gì tới. Do bị siết nợ buộc lòng tôi phải bán tài sản, cầm cố đất đai để đóng lãi, trả tiền thức ăn, thuốc men tính đến nay đã hơn 6 tỷ đồng…".
Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, như vậy 3 vấn đề pháp lý đặt ra là: Đến thời điểm này khi Bianfishco đứng trên bờ vực phá sản tại Việt Nam thì tổng giá trị tài sản công ty này đầu tư ra nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) là bao nhiêu? Do Bianfishco đầu tư hay cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền đầu tư?
Nếu nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài là của Bianfishco thì khi công ty mẹ ở Việt Nam phá sản nhưng không đủ tài sản để thanh toán cho các chủ nợ tại Việt Nam, trong đó có ngân hàng và nông dân, thì phần vốn đầu tư ra nước ngoài có được thu hồi, thanh toán cho các chủ nợ hay không? Thu hồi bằng cách nào?
Khi xác định được ngồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Bianfishco tại Mỹ, thì theo luật pháp Mỹ, các chủ nợ ở Việt Nam có quyền khởi kiện tại tòa án Mỹ để đòi nợ hay không?
Đức Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.