Theo đó, kể từ đầu tháng 2/2017; UBND Tp Hà Nội đã ra Quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí…tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, đồng thời buộc phải di dời, tháo dỡ các nhà nổi, du thuyền, cầu dẫn…
Ngày 16/2, UBND phường Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội) tiếp tục tổ chức cuộc họp và đưa ra hạn chót yêu cầu các chủ nhà nổi, du thuyền hồ Tây phải tháo dỡ công trình là trước ngày 20/2.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, trong ngày 21/2, tại khu vực bến thuyền hồ Tây từ số nhà 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi nơi tập trung nhiều tàu thuyền, nhà nổi hoạt động nhất, các nhà thuyền tại đây vẫn điềm nhiên tồn tại, không có dấu hiệu của việc di dời hay tháo dỡ.
Được biết, hoạt động của các nhà thuyền này đã có từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước ở hồ tây.
Tại khu vực các bến đỗ, nước luôn có màu đen kịt, bẩn thỉu và ứ đọng bởi rác thải vứt xuống hồ.
Rau muống mọc tràn làn quanh khu vực bến thuyền, nhà nổi.
Theo thống kê của UBND Tây Hồ (Hà Nội), hiện có 13 đơn vị đang kinh doanh, hoạt động tại hồ Tây. Trong đó, khu vực Đầm Bảy có 5 đơn vị; Quảng Bá 1 đơn vị, Yên Phụ 1 đơn vị; đường Thanh Niên 1 đơn vị; Thụy Khuê 5 đơn vị.
Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng, gồm: 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm)
Đáng nói, đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Các bến thủy nội địa này đều chưa được cấp phép hoạt động từ năm 2010, do quận Tây Hồ chưa cấp giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ.
Một nhà hàng bị bỏ hoang tại khu vực bến thuyền hồ Tây.
Và trở thành nơi tập kết rác thải hay tụ tập của các đối tượng chích hút, phóng uế gây mùi xú uế khắp khu vực.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay chỉ có 1 doanh nghiệp tiến hành tháo dỡ cầu dẫn tại khu vực bến thủy nhưng tiến độ cũng hết sức chậm chạp.
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 10/3, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đang kinh doanh nhà nổi, du thuyền tự tháo dỡ và di dời về khu vực Đầm Bảy (Tây Hồ, hà Nội) do UBND Tp Hà Nội bố trí làm điểm tập kết. Nếu quá thời hạn trên chính quyền địa phương sẽ có phương án tổ chức cưỡng chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.