Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra, trái vải tươi của Việt Nam đã đáp ứng được các điều kiện về dư lượng chất bảo vệ thực vật, độ ngọt của quả vải. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cùng các cơ quan liên quan và doanh nghiệp đã cho chạy thử nghiệm thành công hệ thống khử trùng, sẵn sàng cho việc đưa quả vải xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Sau khoảng thời gian 3 năm tích cực đàm phán mở cửa thị trường của cơ quan chức năng hai nước, ngày 16/12/2019, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đồng ý cho phép xuất khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.
Để có được những trái vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi Nhật Bản, công tác chuẩn bị đã được Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt đầu thực hiện ngay từ đầu vụ năm.
Ông Ngô Văn Cường, chủ vườn vải rộng 5ha ở thôn Phúc Dư 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết, vườn vải được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Vườn vải đã được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với giá 27.000 đồng/kg nên điều ông quan tâm là tập trung chăm sóc vườn vải thiều để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Ở thời điểm hiện nay, công việc chính ông làm là cắt tỉa bớt quả lép, nhỏ và phòng trừ hiệu quả sâu đục cuống quả. Khó khăn nhất là việc phòng trừ hiệu quả đối với sâu đục cuống quả, vì đây là một chỉ tiêu "cứng" để xuất khẩu được quả vải tươi đi Nhật Bản.
"Trồng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản tốn nhiều công sức và chi phí tăng gấp đôi so với bình thường. Đổi lại, do được bao tiêu với giá ổn định nên trừ hết chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 300-400 triệu đồng" – anh Cường phấn khởi cho biết.
Nói về chất lượng vườn vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa cho biết, về mặt sâu bệnh hại và dư lượng chất bảo vệ thực vật, qua kiểm tra lần 1 đã cơ bản đảm bảo. Trong ngày 11/5, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) lấy mẫu kiểm tra lần hai và trước khi quả vải thiều xuất đi Nhật Bản sẽ được kiểm tra tiếp một lần nữa.
Do thị trường Nhật Bản yêu cầu khắt khe về mức dư lượng tối đa cho phép, hầu hết ở mức 0,01, tức là gần như không có. Để phòng ngừa sâu bệnh hại hiệu quả mà vẫn đảo bảo chất lượng quả vải, bà Nhung và chủ vườn thường xuyên phải đi thăm vườn, kiểm tra từng lứa sâu. Chỉ khi nào có dấu hiệu sâu bệnh hại vượt ngưỡng gây hại thì mới tiến hành phun các loại thuốc trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly.
"Yêu cầu của phía Nhật Bản chủ yếu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và độ ngọt. Như độ ngọt, chúng tôi kiểm tra thời điểm này đã đạt và vượt 18 độ. Về độ ngọt không đang ngại, nhưng về sâu bệnh thời điểm này là thời cao điểm của sâu đục cuống quả. Đây là một trong những chỉ tiêu cứng để đi Nhật.
Hiện nay chúng tôi hướng dẫn người dân phun một số dòng như tỏi ngâm ớt để xua đuổi con trưởng thành. Cái chính là thường xuyên sử dụng nước sạch, tưới phun trên tán cây, một tạo mát cho quả, hai là giảm tối đa dư lượng thuốc BVTV trên quả" – bà Nhung chia sẻ.
Để được xuất khẩu sang Nhật Bản, vườn vải thiều phải đảm bảo có thể truy suất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục BVTV kiểm tra, cấp mã số. Về an toàn thực phẩm, trên các vườn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải tươi xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang nhận định, cuối năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý cho quả vải thiều của Việt Nam được xuất vải tươi vào thị trường Nhật Bản. Đây là một tín hiệu thị trường cực tốt. Tỉnh Bắc Giang chuẩn bị 103ha với 107 hộ dân, 19 mã vùng với sản lượng 600 tấn. Qua các công đoạn sơ chế, xử lý, dự kiến chúng ta có thể xuất khẩu khoảng 400 tấn vải đi thị trường Nhật Bản.
"Người Bắc Giang cần cù, chăm chỉ và có truyền thống văn hóa, đặt biệt là việc canh tác trên vùng đồi rất đặc thù, biến những vùng đồi cực kỳ khó khăn, tạo ra sản phẩm trái ngọt ngon hơn hẳn các sản phẩm của khu vực và các nước trên thế giới" – ông Thành nhấn mạnh.
Trực tiếp tham gia kiểm tra việc chạy thử mẻ vải thiều tươi trên hệ thống sơ chế, đóng gói và buồng khử trùng bằng thuốc Methyl Bromide thành công ngày 10/5, ông Lê Bá Thành tin tưởng rằng khi Chính phủ Nhật Bản cử cán bộ đến giám sát thì Việt Nam có thể đưa vào sản xuất lô vài đầu tiên từ vải sớm Lục Ngạn, Tân Yên xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản ngay từ đầu vụ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thiết kế và xây dựng buồng khử trùng theo công nghệ của Juran đối với trái vải tươi, đồng thời, thiết kế khu cách ly đóng gói lại nhằm phục vụ nhu cầu đóng gói thành phẩm khác nhau của các đơn vị xuất khẩu. "Đặc biệt, năm nay doanh nghiệp đã đầu tư máy chiếu X-quang để phát hiện ra những quả vải bị sâu đục cuống quả. Như vậy, chúng ta đã có cách loại bỏ quả đục cuống ra" – ông Thành chia sẻ thêm.
Từng xuất bán trái sầu riêng cho các nhà nhập khẩu để phân phối vào các hệ thống siêu thị tại Nhật Bản trong năm 2019, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty XKN trái cây Chánh Thu đang mong chờ xuất lô vải tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
"Trái vải bán ở Nhật Bản với giá bán rất cao, mong muốn tại thị trường Nhật có sản lượng nhiều, chất lượng ổn định. Nhật Bản là đất nước uy tín về độ nhập khẩu, đó là bước đệm tốt cho thị trường khó tính. Đó cũng là nơi chúng ta làm thương hiệu cho quả vải Việt Nam để quảng bá về chất lượng, việc canh tác vải thiều tại Việt Nam. Đủ tiêu chuẩn vào Nhật Bản thì chắc chắn đủ tiêu chuẩn vào các nước trên thế giới" – bà Vy nói.
Theo bà Vy, về trái vải, người Nhật rất thích ăn, đặc biệt với trái vải vừa thanh vừa ngọt thì người Nhật rất thích: "Giống quả xoài, tại sao trái xoài Cát Chu bán tốt hơn xoài Hòa Lộc tại thị trường Nhật tại trong vị xoài Cát Chu có vị vừa ngọt, vừa chua. Đó là ưu thế của trái vải tươi Việt Nam".
Cùng với đó, Nhật Bản là thị trường khá thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu trái vải sang, bằng đường hàng không tầm 4 giờ, với đường biển từ 9-11 ngày trong khi thời gian bảo quản trái vải hiện nay được trên 3 tuần.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, sản lượng quả vải trồng ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ tại Nhật và chỉ có thể thu hoạch trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7. Chính vì sản lượng thấp và khan hiếm như vậy, quả vải nội địa được bán như là một mặt hàng cao cấp, đặc biệt là quả vải trồng ở tỉnh Miyazaki. Quả vải ở đây có thể được bán trực tiếp từ nông dân tới người tiêu dùng.
Shintomi là một thị trấn nhỏ với khoảng 17.000 dân thuộc tỉnh Miyazaki nằm trên đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản. Đây là nơi nông dân bắt đầu thử nghiệm trồng vải trong nước từ năm 2005 với một chuỗi khó khăn và thất bại. Phải đến hơn 10 năm sau kể từ ngày bắt đầu thử nghiệm, những mong ước của nông dân mới thành hiện thực khi trái vải kích thước lớn, mọng nước, hàm lượng đường cao đã ra đời.
Những trái vải ở Shintomi có màu đỏ bắt mắt, mùi thơm đặc trưng và cùi dày mọng. Lượng đường của mỗi trái vải đạt trung bình 15 độ, có trái lên tới 18 độ và đặc biệt thơm ngon. Mỗi trái vải Shintomi được bán với giá khoảng 1.000 Yên/trái (hơn 200.000 đồng)
Giá trị trái vải Nhật Bản được đánh giá cao, trở thành nguyên liệu cho những cửa hàng đồ ngọt/café cao cấp, là nguyên liệu làm các loại kem, nước đá vải, trà vải thiều, bia vải thiều… mang lại sự hấp dẫn cho thực khách trong nước và khách du lịch đến Nhật Bản.
Quy định về khử trùng vải trước khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Để được công nhận đủ điều kiện thực hiện khử trùng quả vải thiều xuất khẩu thì buồng khử trùng phải đáp ứng các điều kiện: đủ kín khí để duy trì nồng độ khí thuốc trong quá trình khử trùng. Buồng khử trùng được thiết kế để có thể đo được nồng độ khí thuốc trong khu vực khử trùng từ bên ngoài, có thiết bị để đảo khí giúp cân bằng nồng độ khí thuốc bên trong buồng khử trùng và thiết bị để thông thoáng thuốc ngay sau khi kết thúc quá trình khử trùng.
Bên cạnh đó, buồng khử trùng phải có thiết bị đo nồng độ thuốc Methyl Bromide, có gắn thiết bị đo nhiệt độ và theo dõi nhiệt độ từ bên ngoài. Mỗi năm cán bộ kiểm dịch thực vật Nhật Bản sẽ tiến hành khảo sát trước khi sử dụng buồng khử trùng. Nếu thấy cần thiết thì cán bộ kiểm dịch thực vật có thể khảo sát vào bất cứ lúc nào trong quá trình sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.