Quán bar Buddha lạm dụng hình ảnh Phật giáo, ai chịu trách nhiệm?

Đình Việt Thứ hai, ngày 30/03/2020 18:30 PM (GMT+7)
Luật sư đã nêu ra quan điểm pháp lý xung quanh việc quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2) lạm dụng hình ảnh Phật giáo để kinh doanh. Quán này hiện được xem là "ổ dịch" của TP.HCM khi nhiều người đến đây được xác định dương tính với Covid-19.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc quán bar Buddha bị phật tử tố lạm dụng hình ảnh Phật giáo để kinh doanh, ngày 23/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã có văn bản gửi tới cơ quan chức năng của quận 2 và các sở, ngành, liên quan đến việc cấp giấy phép cho quán bar này.

Giáo hội đề nghị các ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu, hướng dẫn chủ quán thay đổi thương hiệu kinh doanh, không sử dụng hình tượng Đức Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí tại quầy rượu bia hay các poster có hình Bồ Tát đính trên các vách tường, khu vực nhà vệ sinh của quán.

img

Quán bar Buddha, nơi bị tố lạm dụng hình ảnh Phật giáo để kinh doanh.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết, theo giấy phép kinh doanh, đây là quán ăn Thái tên "Bvddha", nếu là "Buddha bar" đã không được cấp phép vì gây tranh cãi. Quận cũng sẽ xem xét những vi phạm của quán này sau khi công tác chống dịch kết thúc.

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, theo giấy phép kinh doanh, đây là quán ăn Thái tên "Bvddha" nhưng trên trang Facebook của quán đều giới thiệu quán mang tên "Buddha". Sau khi bị phản ứng, quán đã khóa trang Facebook này lại.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong thực tế, việc đặt tên phật diễn ra ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Có nhiều doanh nghiệp mang chữ Phật, tuy nhiên, những tên này không bị phật tử phản ứng, có lẽ do lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với tên gọi.

Ví dụ, Công ty Đạo Phật Ngày Nay chuyên phát hành lịch, phim, sách, báo, băng đĩa… có nội dung tuyên truyền về Phật giáo, thuyết giảng kinh, nghiên cứu giáo lý đạo Phật.

Về khía cạnh pháp luật, tại khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tương tự, về đặt tên của hộ kinh doanh quy định ở khoản 2 Điều 73 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Hộ kinh doanh không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cả hai quy định trên đều không nhắc đến tôn giáo.

Theo vị luật sư, để biết quán bar Buddha có vi phạm pháp luật, cần xác định việc đặt tên quán có “vi phạm văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục”, và việc xác định “trái với văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục” không hề đơn giản.

Bởi trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không ghi rõ nội hàm văn hóa này. Trong văn bản chi tiết nhất, tức thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc (nay đã hết hiệu lực) cũng không giải thích cụ thể về những khái niệm trên.

Việc chưa thể xác định nội hàm rất có thể sẽ dẫn tới những suy diễn mang tính chủ quan, thậm chí áp đặt hơn là có quy định hoặc thậm chí xử phạt rõ ràng. Nhưng một khi đã đối diện với luật pháp, trong mọi trường hợp, người dân, doanh nghiệp được quyền suy đoán vô tội chứ không phải là suy diễn có tội.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, nếu hình ảnh hoặc từ ngữ có tính mơ hồ, hay “gợi tả những điều xúc phạm”, cũng không đơn giản nếu muốn cấm cản hoặc dùng luật để “khuôn” hành vi sai - đúng.

Tuy nhiên theo quan điểm của mình, luật sư Tuấn Anh cho rằng dù quy định pháp luật không có từ “tôn giáo” nhưng việc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, tôn trọng phật cũng được xem là thuần phong mỹ tục của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Vì vậy, việc đặt tên phật làm tên của quán hay trưng bày các hình ảnh, tượng phật ở một quán rượu hay quán bar như vậy có thể bị xem là không hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm điều cấm nói trên.

Cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền buộc quán bar đổi tên để không vi phạm điều cấm của luật cũng như yêu cầu di dời các đồ vật này đến nơi phù hợp, tránh xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Ngoài ra, theo giấy phép kinh doanh, đây là quán bar tên Bvddha nhưng lại đặt tên quán là Buddha thì hành vi này đã vi phạm khoản 2, 4 Điều 66 Nghị định 158/2013. Cụ thể hành vi vi phạm quy định về ghi không đúng tên gọi trên biển hiệu, theo đó mức phạt tiền có thể là từ 10 đến 15 triệu đồng và buộc tháo dỡ biển hiệu.

“Để xảy ra sự việc một quán bar lạm dụng hình ảnh Phật giáo trong nhiều năm liền, như vậy là có vấn đề về quản lý hành chính nhà nước trong việc quản lý cơ sở kinh doanh. Cán bộ, công chức có nhiệm vụ quản lý kinh doanh cơ sở kinh doanh trên mà không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức” – vị luật sư nhấn mạnh.

Ngày 30/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát thông báo cập nhật về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó có thông tin về việc xử lý, xác minh các trường hợp có liên quan đến ổ dịch tại bar Buddha (số 7, phường Thảo Điền, quận 2).

Theo đó, lực lượng chức năng đã xác định 198 người liên quan, tăng thêm 4 người sau một ngày tìm kiếm. 198 trường hợp này đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong số này, 143 trường hợp cho kết quả âm tính, còn lại đang đợi kết quả.

Theo thông tin cập nhật từ HCDC, việc tìm kiếm số lượng người tham gia buổi tiệc Patrick day tại Buddha bar chưa có dấu hiệu dừng lại.

HCDC sẽ tiếp tục điều tra, xác minh trường hợp đã đến quán bar này từ ngày 13-17/3 và người tiếp xúc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem