VFF nhận trách nhiệm, chứ chưa… “nhận phạt”
Ngay phần mở đầu cuộc trao đổi thông tin với báo chí tổ chức lúc 18 giờ tối 5.12, HLV Phan Thanh Hùng đã thẳng thắn khẳng định “chuyên môn yếu kém” là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thất bại AFF Cup 2012. Ông Hùng nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin thôi giữ chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Việc ông Hùng xin từ chức nhanh chóng được Thường trực VFF duyệt. “Chúng tôi đã thảo luận thẳng thắn và tương đối căng thẳng về vấn đề này và đồng ý cho ông Hùng từ chức”, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, cho biết.
|
HLV Phan Thanh Hùng (phải) tuyên bố từ chức HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng |
Tại cuộc họp, lãnh đạo VFF cũng đã thừa nhận sai lầm, đặc biệt trong việc đồng ý để HLV nội làm việc kiêm nhiệm. “Đó là một quyết định sai lầm và chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên lãnh đạo Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, điều khá buồn cười là ông Dũng lại khéo léo “thòng” theo một chi tiết liên quan tới công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), kéo VPF vào cùng chịu trách nhiệm về thất bại AFF Cup: “Thời gian qua, VFF không có người làm công tác chuyên môn do anh Phạm Ngọc Viễn (Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF-PV) phải đầu tư quá nhiều tâm sức cho VPF trong vai trò Tổng Giám đốc. Đó là lý do không có ai theo sát trực tiếp quá trình chuẩn bị của đội tuyển” (?!).
|
Lãnh đạo VFF chỉ nhận trách nhiệm sau thất bại AFF Cup 2012 chứ chưa chịu từ chức. Ảnh: Minh Hoàng |
HLV Phan Thanh Hùng từ chức như một hành động nhận trách nhiệm cụ thể về thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012. Còn VFF nhận sai lầm rồi...thôi? Trước chất vấn của báo chí, ông Lê Hùng Dũng nói: “Chúng tôi chưa có quyết định gì cả. Tất cả phải chờ tới Đại hội VFF nhiệm kỳ VII dự kiến diễn ra vào tháng 10.2013”. Còn Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng: “Có thể Đại hội VFF sẽ diễn ra sớm nửa năm. Ngày 13.12 tới, Ban chấp hành VFF sẽ họp và khi đó chúng tôi sẽ có thêm thông tin chi tiết về việc này”.
Không triệu tập cầu thủ thiếu động lực
Trong bản báo cáo dài 5 trang A4, phân tích nguyên nhân thi đấu không thành công của ĐTQG tại AFF Cup 2012 của HLV Thanh Hùng, có đề xuất tới việc: “Thôi gọi tập trung làm nhiệm vụ với cầu thủ có dấu hiệu tuổi tác và chấn thương; các cầu thủ có biểu hiện tính cá nhân chủ nghĩa, ngôi sao và các cầu thủ có chuyên môn không ổn định”.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển-Chủ tịch Hội đồng HLV QG: “Chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của Hội đồng HLV QG chưa mạnh dạn, chưa thẳng thắn đóng góp đường đi nước bước của đội tuyển. Khi tập luyện, thi đấu giao hữu tốt nhưng thi đấu chính thức thì kém, đây là vấn đề chuyên môn. Trạng thái sung sức thể thao, “điểm rơi” lại rơi vào giải chuẩn bị, chứ tại AFF Cup thì quá tồi, không chấp nhận được, đặc biệt là hai trận gặp Myanmar, Philippines”.
Chính Thường trực VFF cũng khẳng định trước công luận là tại AFF Cup 2012, có những cầu thủ thiếu động lực thi đấu vì màu cờ sắc áo: “Chúng tôi không ngại công bố tên các cầu thủ này. Nhưng chúng ta cần nhìn vấn đề nhân văn hơn, bởi sau khi công bố rồi, dư luận “ném đá chết” họ thì sao. Không thể vì sai sót của họ trong 1 giải đấu mà “giết chết” tương lai của họ được. Đợt tập trung đội tuyển sắp tới chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2015, chúng tôi sẽ không triệu tập một số cầu thủ, và người tinh ý sẽ nhận ra ngay vấn đề”, ông Lê Hùng Dũng nói.
Trước câu hỏi của Dân Việt liên quan tới “cái móng” của bóng đá Việt Nam là thể thao trường học, ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF nói: “Chúng tôi quá hiểu chuyện này và đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên, rồi trao đổi với Bộ Giáo dục Đào tạo, Hội thể thao Đại học và chuyên nghiệp… nhưng có làm được đâu vì mắc ở vấn đề kinh phí”.
Tin vui được ông Hỷ thông báo là nửa tháng trước, VFF đã làm việc với ban dự án FIFA và họ đã đồng ý cấp cho VFF 500 nghìn USD để đào tạo lứa U15, đến khi FIFA nghiệm thu là U17. Dự án sẽ được triển khai ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đào tạo khoảng 100 VĐV.
Trước đó, ông Hùng Dũng trả lời về công tác đào tạo trẻ: “Giá như câu lạc bộ (CLB) nào cũng làm theo cách của HAGL với Học viện HAGL-JMG thì rất tốt. VFF chỉ làm công tác định hướng với các câu lạc bộ. Tiếc là thời gian qua chúng tôi cũng chưa làm được việc này, mà chỉ tập trung cho các đội U quốc gia”.
Theo ông Dũng, quyết tâm đầu tư đào tạo trẻ cần kiên nhẫn, có thời gian và kinh phí bởi không phải cứ “trồng cây” là có “quả ngọt” mà phải chấp nhận nhiều rủi ro: “Chỉ có những câu lạc bộ cực kỳ giàu có: Barcelona, Real Madrid… mới có thể đào tạo theo cách tuyển chọn “gà nòi” từ nhiều nước trên thế giới. Việc này làm cực kỳ tốn kém. Kinh phí VFF hiện nay chỉ có thể lo cho V.League, đội U19, U22 QG… Nói chung nói lý thuyết thì dễ, làm thì khó lắm”, ông Dũng chốt lại.
Theo Thường trực VFF, phải tới cuộc họp Ban chấp hành VFF diễn ra ngày 13.12 tới mới thảo luận, có ý kiến về việc sử dụng HLV nội hay ngoại trong tương lai, sau đó có báo cáo lên Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL. Nhiều khả năng ở cuộc tiếp UAE trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015 ngày 6.2.2013 trên sân Mỹ Đình, đội tuyển sẽ được dẫn dắt bởi HLV nội tạm quyền.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.