Quan điểm của Mỹ về Biển Đông sẽ rõ ràng hơn

Thúy Đăng (ghi) Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:43 AM (GMT+7)
Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker - thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí ngày 5.8 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Trung Quốc vừa bác bỏ đề xuất của Mỹ và Philippines về “đóng băng” việc xây dựng những công trình trên Biển Đông, quan điểm của Mỹ về vấn đề này như thế nào?

- Có một điều chắc chắn là, tất cả mọi bên đều cần phải dừng tất cả hành động mang tính khiêu khích cho đến khi có thỏa thuận mới. Tôi cho rằng, các bên cần phải tiếp tục làm việc để giải quyết vấn đề trên Biển Đông. ASEAN cần phải thống nhất, đoàn kết, hy vọng có cuộc gặp trong tương lai để bàn cách giải quyết. Chính bởi vấn đề trên Biển Đông hiện nay đang rất phức tạp nên các bên cần tiếp tục làm việc và cư xử bình tĩnh.

Hiện nay một số ý kiến cho rằng có sự mơ hồ nhất định trong chiến lược xoay trục của Mỹ nên Trung Quốc có sự hung hăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, xin ông bình luận về nhận định này?

- Tôi phải thừa nhận rằng, có sự mập mờ trong quan điểm của Mỹ và không như tôi mong đợi. Tôi cũng cảm nhận được rằng, đối với khu vực Đông Nam Á, họ nhìn thấy vai trò của Mỹ rõ ràng hơn ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới mọi người sẽ thấy Mỹ có quan điểm rõ ràng hơn ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và sự mập mờ sẽ giảm đi. Mục tiêu của Mỹ cũng như của Việt Nam và ASEAN đều giống nhau, các nước đều phát triển thịnh vượng, công dân của các nước sẽ có tiêu chuẩn cuộc sống cao hơn và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp giải quyết vấn đề này.



Thượng nghị sĩ Mỹ  Bob Corker 
   
Mỹ là một nước lớn và có lợi ích trong khu vực. Với vai trò của mình, nước Mỹ sẽ đảm bảo rằng khi có tình huống xảy ra, Mỹ sẽ tham gia giải quyết, đó là lý do vì sao Mỹ đã có những cuộc giao thiệp với Việt Nam”.   
Gần đây, Thượng viện Mỹ có nghị quyết về an ninh hàng hải ở Biển Đông, liệu nghị quyết này có giá trị pháp lý đối với vấn đề về Biển Đông hay không, hay chỉ là văn bản ủng hộ tinh thần?

 

- Nghị quyết của Thượng viện Mỹ không có hiệu lực về pháp lý mà chỉ là bày tỏ quan điểm, sự cảm nhận của các thượng nghị sĩ về cách thượng nghị sĩ nhìn nhận về vấn đề như thế nào chứ không có sự ràng buộc về pháp lý.

Về trừng phạt Trung Quốc, tôi được biết, Việt Nam đang cân nhắc sự lựa chọn pháp lý khác nhau trong đó có việc khởi kiện nhưng vẫn chưa có sự lựa chọn cuối cùng và đó là quyết định của Việt Nam.

Thưa ông, Mỹ đang xem xét bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Liệu là việc này sẽ được thực hiện trong năm sau khi hai nước kỷ niệm quan hệ ngoại giao? Mức độ ủng hộ của các nghị sĩ với vấn đề này thế nào?

- Tôi là một trong số 120 thượng nghị sĩ ngoài ra còn có hơn 100 hạ nghị sĩ khác. Chúng tôi là các đại biểu dân cử, chúng tôi nhìn vào các vấn đề đang tồn tại giữa hai nước để cân nhắc các hiệp định. Về việc bán vũ khí sát thương trực tiếp cho Việt Nam, theo tôi quan sát, hiện nay đang có sự cởi mở hơn và vấn đề đang ấm dần lên trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội Mỹ.

Khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ lo ngại gì về phản ứng với Trung Quốc hay không, thưa ông?

- Xét về quan hệ hai nước, tôi cho rằng, mối quan ngại thuộc về phía Việt Nam nhiều hơn là phía Mỹ. Chúng tôi tập trung xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn ở khu vực hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện đang phải chịu thuế chống bán phá giá, liệu TPP được ký kết, việc chống bán phá giá có giảm hay không?

- Về TPP, thực tế sẽ có liên quan đến tư cách nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, liên quan đến kiện bán phá giá. Điều này có được nêu ra trong cuộc gặp của tôi với các quan chức Việt Nam. Khi ký TPP, cũng sẽ có liên quan đến các vấn đề đó.

Tôi hiểu rằng, Việt Nam đang lo ngại thực hiện các vấn đề thương mại, tiến đến hội nhập các hiệp định tự do hóa thương mại, nhưng lại vướng mắc về cách giải quyết những vụ kiện chống bán phá giá. Đây là vấn đề còn phải được xử lý trong tương lại.

Tôi muốn nêu thêm một điểm nữa, tác động của TPP đối với các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến quy chế nền kinh tế phi thị trường, liên quan đến các doanh nghiệp quốc doanh sẽ cạnh tranh thế nào. Ngoài ra, vấn đề thế nào là bán phá giá, hai nước vẫn chưa thống nhất và sẽ tiếp tục thảo luận với nhau. Khi chúng ta ký kết TPP thì vấn đề bán phá giá vẫn tiếp tục được bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem