Vào năm thứ 23 (1870), vua Tự Đức ban hành danh sách công cụ được phép dùng trong việc tra khảo phạm nhân. Theo đó, các phạm nhân đều có thể bị phạt roi song mỗi lần không đánh quá 50 roi, không được dùng roi mây lớn và roi sắt. Với nghi can trộm cướp có số lượng tang vật lớn lại ngoan cố không nhận tội, quan mới được dùng kìm nguội, kìm nóng tra trấn khắc nghiệt để tìm ra sự việc.
Theo Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, năm 1870 Chánh tổng Nguyễn Đình Huấn đánh chết một dân phu. Khi hay chuyện vua Tự Đức ban đầu định xử chém Nguyễn Đình Huấn, song xét có công dụ được giặc ra đầu thú nên hình phạt thành đánh bằng roi mây lớn, bắt nộp tiền mai táng cho người nhà nạn nhân.
Năm 1872, vua Tự Đức quy định, các nha môn tra hỏi tội phạm phải dùng đúng loại roi, không được tự ý thay đổi. Vua cũng nhắc đến những vụ án đã bị trừng trị thảm khốc để răn đe các quan lại khác như Lê Huy Tuân dùng ngựa sắt, Trần Vũ dùng chuồng gỗ tra tấn làm tù nhân tử vong.
Theo luật pháp thời đó, nếu tù nhân bị chết đáng tội xử tử thì quan xét án nếu dùng nhục hình trái quy định sẽ bị phạt đánh 60 cái bằng roi mây, lưu đày một năm; nếu đáng xử tội lưu đày thì viên quan ấy bị phạt đánh 70 cái bằng roi mây, lưu đày một năm rưỡi. Nếu phạm nhân đáng xử tội giam giữ thì quan bị phạt 80 trượng, giam giữ hai năm. Nếu đáng tội bị phạt đánh bằng roi mây, quan bị xử phạt đánh 90 cái bằng roi mây, bắt giam hai năm rưỡi. Nếu tù nhân đáng xử phạt roi, viên quan đó bị xử đánh 100 cái bằng roi mây, giam giữ ba năm, nộp tiền mai táng 10 lạng bạc, cấp cho gia đình người chết chi vào mai táng.
Nếu tù nhân do bị tra tấn mà tàn tật, gãy chân tay thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, quan bị xử nặng lên một bậc và chia hạng xét thu tiền, cấp cho người bị tra tấn chi vào tiền thuốc thang. Dù vua ban hành quy định như vậy, nhưng một số viên quan vẫn dùng nhục hình.
Năm 1872, Lê Bá Thận là quan đại thần của triều đình nhưng khi trách phạt con đã dùng nhục hình cắt tai. Biết chuyện, vua Tự Đức rất tức giận và cho rằng làm quan mà tàn nhẫn thì cần nghiêm trị.
Vua Tự Đức cũng lấy vụ án Lê Bá Thận làm gương cho các quan để cảnh báo rằng ai dám làm sai luật pháp thì trị tội nặng, biết chuyện mà không tố giác cũng cũng bị xử lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.