Quản lý trò chơi trực tuyến: Làm nghiêm những gì đã ban hành

Thứ hai, ngày 23/08/2010 08:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, các quy định quản lý game online được đưa ra một cách chắp vá, thậm chí có một số điểm sai luật.
Bình luận 0

Ông Đức cho biết: Vấn đề ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ là chuyện riêng của game online mà còn là câu chuyện của cả nền kinh tế. Danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ ban hành hiện nay đã lên đến 157; tốc độ tăng thêm mỗi năm là 20-30%.

Quy luật kinh tế - xã hội đã cho thấy, việc cấm đoán, thêm điều kiện là một việc bất đắc dĩ làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đưa ra các điều kiện, các quy định phải cân nhắc kỹ lưỡng. Vấn đề quan trọng là các quy định này có hợp lý, hữu hiệu hay không.

img
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ trương xóa bỏ các đại lý game online gần trường học cần có lộ trình ít nhất 3- 4 năm

Tăng cường thanh tra, kiểm soát

Là một phụ huynh, ông đánh giá thế nào về hai giải pháp: Cấm hoạt động các cửa hàng game online cách cổng trường học dưới 200m và cắt đường truyền đến các đại lý sau 23 giờ?

- 200 hay bao nhiêu mét cũng chỉ là số liệu. Cái quan trọng là khi các nhà quản lý đưa ra con số đó phải giải thích được vì sao lại cách xa 200m. Có phải vì tránh tiếng ồn cho trường học, tránh hình ảnh những trẻ em chơi bời ra khỏi môi trường giáo dục… mà đặt ra khoảng cách như vậy không. Còn chỉ vì lý do để bọn trẻ không có điều kiện tiếp xúc, tìm đến cửa hàng game online thì khoảng cách đó không thể ngăn bọn trẻ.

imgimg Con gái tôi không muốn ra khỏi nhà vì quá bụi bặm, nhiều xe cộ và quá nhiều nguy hiểm khác nên chỉ muốn ở nhà vào mạng Internet. Nếu muốn trẻ không nghiện game online phải tạo một môi trường trong sạch, với nhiều trò chơi giải trí lành mạnh cho các em img

Luật sư Trương Thanh Đức

Về việc cắt đường truyền sau 23 giờ là giải pháp tương đối triệt để để hiện thực hoá việc cấm các cửa hàng game online hoạt động quá giờ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng sẽ gây các phiền toái cho chủ đại lý vì sau thời gian đó, họ có thể dùng đường truyền Internet vào các việc như truy cập mạng để tìm hiểu thông tin, đọc các tài liệu…

Cái điểm yếu nhất trong giải pháp này là khó làm đến cùng vì các cửa hàng game này có thể mắc nhiều đường truyền hoặc mượn đường truyền của hàng xóm. Ngay trường hợp đại lý bị cắt đường truyền đầu tiên ở Hà Nội (Game Đạt tại 116, D4 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình - PV) vẫn hoạt động bình thường sau khi bị cắt.

Theo tôi, hai giải pháp này lặp lại hiện tượng lâu nay vẫn xảy ra khi ban hành các quy định của các cơ quan quản lý là quản không được thì cấm. Trong khi đó, việc trước hết nên làm là tăng cường thanh tra kiểm soát dựa trên những điều kiện đã có chứ không nên vội vàng đặt thêm các điều kiện cấm đoán mới.

Thưa ông, việc đưa ra các giải pháp này là bất đắc dĩ nhưng nhà quản lý cho rằng vẫn phải thực hiện nhằm cải thiện được tình hình trẻ em nghiện game online...

- Thực trạng các cửa hàng Internet hiện nay cho thấy một quá trình dài chúng ta đã buông lỏng quản lý. Vấn đề không phải là chúng ta thiếu quy định mà những quy định đã được đưa ra từ trước. Ngay cả việc cấm mở quán nét trong phạm vi 200m cách trường học đã được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng vì sao các cửa hàng game online vẫn được cấp phép hoạt động?

Vì vậy, trước khi đưa ra các giải pháp mới, chúng ta phải xem lại việc thực hiện các quy định cũ đã quyết liệt chưa? Khi các cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm ở cửa hàng game online có dám ra quyết định phạt họ thật nặng để răn đe hay cứ xuề xoà như thời gian qua?

Cần làm theo luật

Thực tế tại Hà Nội hiện nay, việc di dời các đại lý game online gần trường học là rất khó. Các chủ đại lý chần chừ, thậm chí đòi phải có tiền mới chịu di dời; còn cơ quan chức năng muốn cưỡng chế. Vậy trong trường hợp này phải giải quyết ra sao?

- Về mặt pháp lý, quy định đại lý game online phải cách trường học 200m hiện nay chỉ nằm trong một thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề được cấp Chính phủ quy định.

Trong việc này, đề nghị của các chủ đại lý là có lý. Ở đây họ kinh doanh có đầy đủ giấp phép nhưng phải di dời do rủi ro chính sách. Vì thế, nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí cho họ.

Thưa ông, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chỉ xem cấm trong khu vực 200m cách trường học là một giải pháp tình thế, tạm thời và họ đang gấp rút để hoàn thiện bộ quy chế quản lý game online để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý trong lệnh cấm này. Ông có bình luận gì?

- Việc đó là cần thiết phải làm. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Một khi mà cơ quan quản lý nhà nước ở cấp bộ chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì khó đòi hỏi người dân tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định của địa phương.

Vậy theo ông, các cơ quan chức năng nên làm thế nào để khắc phục tình trạng vừa làm vừa sửa trong quản lý game online?

- Trước hết phải có tầm nhìn chiến lược, có kế hoạch dài hạn. Khi lập các kế hoạch đều phải có lộ trình, mức độ, liều lượng áp dụng chứ không thể làm một cách đột ngột. Chẳng hạn trong việc xoá bỏ các điểm game gần trường học, nếu việc đó là cần thiết phải thực hiện thì phải có lộ trình ít nhất là 3 - 4 năm chứ không thể làm ngay.

Trước hết, không cấp phép mới cho các điểm gần trường học nữa. Các điểm đang tồn tại cho phép họ hoạt động thêm một thời gian để chuẩn bị cho việc di dời… Và một điều rất quan trọng nữa là phải tôn trọng, thực hiện nghiêm những quy định được ban hành. Ngay cả đối mức xử phạt cũng phải nghiên cứu tăng thêm.

Nhiều người cho rằng về dài hạn nên học tập kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Nhật không cho phép các điểm chơi game online nhỏ lẻ hoạt động mà nên tập trung tại các địa điểm vui chơi lớn như siêu thị, công viên để dễ quản lý. Ông có đồng tình với ý tưởng này?

- Cũng giống như việc xoá các chợ cóc để lập các siêu thị, việc gom các đại lý này đến các trung tâm lớn là xu thế chung của toàn thế giới. Nhưng xu hướng này chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Ở Nhật, các gia đình đều nối mạng nên việc chơi game online hoàn toàn là nhu cầu giải trí. Còn ở nước ta, mô hình đại lý game online và Internet là một. Ở vùng sâu vùng xa, một nông dân, hay một sinh viên không chơi game online mà muốn vào mạng gửi thư, đọc báo lại phải lên tận trung tâm huyện, vào các cửa hàng game online để vào mạng thì không hợp lý.

Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta vẫn phải hướng đến cách làm đó và chúng ta phải có định hướng ngay từ bây giờ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem