Tại Trung Quốc, sẽ là vinh hạnh khi được một quan chức cấp cao viết vài chữ hoặc vài dòng theo kiểu “cho chữ” để kỷ niệm một dịp lễ lạt trọng đại như thành lập cơ quan, khánh thành tòa nhà công sở…
Tuy nhiên, khi quan chức bị hạ bệ, những gì họ lưu lại lập tức trở thành điều gây phiền phức cần phải xóa bỏ ngay lập tức, theo trang tin điện tử Đài Loan Want China Times.
Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lan truyền thông tin về việc Đại học Dầu khí Trung Quốc ở Bắc Kinh vừa cố gắng xóa bỏ mọi dấu vết liên quan sự tồn tại của “cựu sinh viên nổi tiếng” Chu Vĩnh Khang.
Ông Chu Vĩnh Khang.
Vị cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp, cựu Bộ trưởng Công an, cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vừa bị chính thức điều tra.
Chữ ký của Chu Vĩnh Khang trên lời đề tặng khẩu hiệu của trường đại học này cũng bị bỏ. Báo Trung Quốc Global Times đưa tin, những tấm ảnh chụp cảnh Chu đến thăm trường nhân dịp 60 năm thành lập cũng bị gỡ khỏi trang tin của trường.
Hồi tháng 2.2012, Giám đốc Công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân, chạy vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, mở màn cho sự sụp đổ của Bạc Hy Lai. Sau khi Vương bị điều tra, chữ kiểu thư pháp “kiếm” và “khiên” được Vương viết trên hai quả cầu đá khổng lồ đặt bên ngoài Sở Công an Trùng Khánh bỗng dưng biến mất.
Chữ của Vương Lập Quân trên hai quả cầu đá đã bị xóa. Ảnh: Want China Times
Có nhiều trường hợp tương tự ở Trung Quốc. Chữ “rồng” được cựu Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Phúc Kiến Shu Zhan đề tại lối vào tòa nhà văn phòng tập đoàn cũng bị tẩy sạch, sau khi Shu bị bắt về tội tham nhũng hồi tháng 5.
Tất cả những câu chữ thư pháp do cựu Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Giang Tây Chen Anzhong viết trong các tòa nhà công sở đã bị xóa bỏ, từ khi ông này bị điều tra về việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật cuối năm 2013.
Theo hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua, trong số quan chức ngã ngựa bị xóa bỏ “dấu ấn” ở công sở, trường học, bệnh viện còn có Chen Shaoji, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Đông; Tian Fengshan, cựu Tỉnh trưởng Hắc Long Giang; Chen Kejie, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc; Hu Changqing, nguyên Phó tỉnh trưởng Giang Tây; Wang Youjie, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam…
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc không tán thành khuynh hướng xóa bỏ “dấu ấn” như vậy.
“Không cần phải che đậy! Họ nên để các sinh viên hấp thu bài học này cho muôn đời sau: Điều quan trọng nhất cần nhớ là không phải việc anh leo cao tới đâu, mà là anh giữ gìn cốt cách thanh cao thế nào! Không quan trọng anh làm quan to cỡ nào, anh luôn phải là một người đầy tớ phục vụ nhân dân”, một cư dân mạng viết.
Giáo sư Zhu Lijia ở Khoa Quản trị công Trường Hành chính quốc gia Trung Quốc nói rằng, việc quan chức “đề chữ” là một thông lệ có tính lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc.
Về phương diện lịch sử, thư pháp là một môn bắt buộc đối với các quan chức thời xưa. Ngoài ra, việc “đề chữ” là dịp để quan chức chứng tỏ quyền lực, quyền uy của họ, bởi lẽ thông thường, người ta không cho phép viết, vẽ lên các công trình nổi tiếng, ông Zhu nói.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.