Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng xử án như Bao Công (Kỳ 3): Lắm mưu nhiều kế

Thứ ba, ngày 14/08/2018 19:31 PM (GMT+7)
Xử án như thần, Nguyễn Khoa Đăng là người lắm mưu nhiều kế, dàn dựng nên những vụ xử án khiến người ta không chỉ tâm phục khẩu phục, mà còn kinh sợ, thán phục.
Bình luận 0

Vụ án trộm giấy

img

Hình minh họa.

Một hôm khác, có người lái buôn giấy đến trình quan rằng mình nghỉ trọ ở làng Hồ Xá bị trộm lấy mất cả một gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn, sai người do thám mấy ngày liền không có kết quả, bèn thân hành đến làng Hồ Xá nghĩ cách cứu xét. Đến nơi, ông cho triệu dân chúng sở tại và mấy làng xung quanh lại và bảo:

– Trên tỉnh vừa sức về bắt các xã thôn mỗi một người không kể nam phụ lão ấu phải làm ngay một tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch.

Lệnh ban ra, mọi người đua nhau đi mua giấy. Vì thế, giấy ở chợ lên giá vùn vụt. Tên trộm lấy được gánh giấy còn giấu ở nhà, nay nghe nói giá giấy lên cao bèn mang lẻn ra chợ bán.

Hắn không ngờ người của ông Đăng cũng rải ở các chợ để chờ hắn. Thế là tên trộm không những phải đền gánh giấy cho người lái buôn mà còn phải đền cho dân các làng tiền mua giấy kê khai tên tuổi.

Khảo đá

Một lần khác, ông được đổi đi một hạt miền núi. Khi ông mới đến, người ta cho biết hạt ấy nổi tiếng có nhiều trộm cướp nhà nghề. Các quan trước bó tay không thể nào trị nổi.

Ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ngầm sai người đi dò la hành tung và quê quán từng tên một. Thế rồi, ông vẫn tảng lờ như là không hay biết gì hết. Qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở bên vệ đường. Hỏi dân sở tại, họ đáp:

– Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng. Ông nghe nói liền họa theo:

– Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp ta trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được! Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi lại trở ra bảo mọi người rằng:

– Ngài bảo vài hôm nữa rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọn gian phi trong toàn huyện.

Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường rồi cho người thân tín xuống nấp dưới đó. Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính khiêng hòn đá về đặt lên trên hầm. Trước mặt mọi người đông đủ, ông dõng dạc hỏi đá:

– Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng hiện nay trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng.

Đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn:

– Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực!

Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay lại để khai.

Thế rồi, đá lần lượt khai và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai một tên nào, ông sai lại mục viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi nã bắt lập tức.

Cho đến suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên. Khi giải cả một xốc về, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo đả, thú nhận tất cả.

Nguyễn Thành Trung (Khoa học & Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem