Biệt thự tại Mỹ của Trương Thự Quang
Ở Walnut, ngoại ô thành phố Los Angeles, Mỹ, người ta từng bàn tán về một căn biệt thự tọa trên khu đất lớn của một gia đình người Trung Quốc bí ẩn.
Có lần, một phóng viên Mỹ đến gõ cửa, bấm chuông suốt một hồi lâu không có ai trong nhà trả lời, theo trang Caixin.
Người hàng xóm sống bên cạnh nói rằng, bà đã ở đây nhiều năm, “nhưng không biết những người bên trong căn biệt thự có còn ở đó hay không”.
Người hàng xóm này kể về lần duy nhất gặp một người Trung Quốc khoảng 40 tuổi đi từ trong biệt thự đi ra. Những người sống trong căn biệt thự cũng chưa từng tham gia vào các hoạt động xã hội.
Lương 300 USD mua nhà 860.000 USD
Theo trang mạng Caixin (Trung Quốc), căn biệt thự ở Los Angeles nói trên thuộc sở hữu của cựu Thứ trưởng Đường sắt Trung Quốc, Trương Thự Quang.
Lối vào căn biệt thự của Trương Thự Quang.
Bộ Đường sắt Trung Quốc từng là trung tâm của bê bối tham nhũng và nhận hối lộ đằng sau dự án xây dựng mạng lưới đường cao tốc dài nhất thế giới.
Năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã giải thể Bộ Đường sắt và sáp nhập cơ quan này vào Bộ Giao thông.
Tờ Mingpao của Hong Kong từng đưa tin vợ chồng ông Trương còn sở hữu hai căn biệt thự khác ở Mỹ. Nhưng thông tin này không được báo chí đại lục xác nhận.
Căn biệt thự số 688 đường Pierre, thành phố ngoại ô Walnut, California, đứng tên chủ sở hữu là người vợ của Trương Thự Quang. Căn biệt thự này nằm cách trung tâm thành phố Los Angeles khoảng 25 phút lái xe.
Biệt thự có diện tích 4.800m2, trong đó 380m2 là diện tích mặt sàn, còn lại là sân vườn. Biệt thự đắt tiền có 5 phòng ngủ và được ông Trương mua với giá 860.000 USD vào năm 2002. Ngày nay, căn biệt thự này có giá lên tới 1,8 triệu USD.
Trương Thự Quang khi còn đương chức.
Tờ Quartz năm 2013 từng bình luận, nếu có ngày phải bán nhà, ông Trương và vợ có thể yên tâm vì giá trị của căn nhà đã tăng 60% chỉ sau 11 năm.
Báo chí chính thống Trung Quốc khi đó bình luận rằng, thật khó có thể tưởng tượng được với mức lương chỉ hơn 300 USD/tháng (khoảng 7 triệu đồng), ông Trương lại mua được biệt thự 860.000 USD (khoảng 20 tỷ đồng) ở Mỹ.
Ông Trương bị kết án tử hình hồi tháng 10.2014 nhưng được hoãn thi hành trong hai năm. Trên thực tế, bước sang năm 2017 vẫn chưa có thông tin chính thức nào xác nhận việc thi hành bản án này.
Chính quyền Trung Quốc từng tuyên bố tịch thu tài sản và tước bỏ mọi quyền lợi của ông Trương. Nhưng không rõ khoản tiền gần 3 tỷ USD ở nước ngoài cùng căn biệt thự ở Los Angeles có bị thu hồi hay không.
Ông trùm đường sắt cao tốc Trung Quốc
Vụ tai nạn đường sắt cao tốc năm 2011 đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Trương.
Trương Thự Quang sinh năm 1956 ở thành phố Lật Dương, tỉnh Giang Tô. Ông Trương tốt nghiệp trường Đại học Đường sắt Lan Châu, chuyên ngành kỹ thuật xe hơi năm 1982.
Sinh ra trong một gia đình bình thường, ông Trương khởi nghiệp trong ngành đường sắt và đi lên hoàn toàn từ con số 0. Con đường làm giàu nhanh đến chóng mặt của ông Trương bắt đầu kể từ khi làm việc dưới quyền Lưu Chí Quân.
Tờ Asia Times coi Trương Thự Quang là “cha đẻ của mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc”.
Bộ đôi Trương-Lưu cùng nhau lập ra dự án xây dựng “mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới”, xứng danh niềm tự hào của Trung Quốc. Dự án tiêu tốn 300 tỷ USD này xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài 16.000km, tầm nhìn đến năm 2015.
Ông Trương khi đó rất tự hào về việc đưa Trung Quốc tự chủ trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, giảm sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Trương nhắc đến kỹ năng thương lượng của mình đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy của trường Đại học Stanford, Mỹ.
Dự án đường sắt cao tốc diễn ra suôn sẻ cho đến khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng ở thành phố Ôn Châu năm 2011, khiến 40 người chết.
Trương Thự Quang nhận mức án tử hình treo năm 2014.
Bộ đôi Trương-Lưu hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ và bị nghi ngờ đã quá nóng vội trong việc mở rộng mạng lưới dẫn đến thi công thiếu an toàn.
Cơ quan điều tra Trung Quốc sau đó phanh phui việc ông Trương sở hữu tài khoản gần 3 tỷ USD tại các ngân hàng Thụy Sĩ và Mỹ. Ông Trương đã ngầm đưa vợ và con gái duy nhất sang sống ở Mỹ từ lúc nào không ai hay biết.
Ông Trương một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý vào năm 2013 sau bê bối ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ tuyển dụng hàng loạt con cháu của các quan chức Trung Quốc để giúp giành được nhiều hợp đồng thương mại.
Con gái của ông Trương được JPMorrgan tuyển dụng để đổi lấy việc ngân hàng này được tiếp cận làm ăn với các công ty đường sắt Trung Quốc.
Dưới thời Trương Thự Quang, Bộ Đường sắt Trung Quốc lớn đến mức được so sánh với một quốc gia độc lập.
Cơ quan này có lực lượng an ninh, tòa án, thẩm phán riêng và có số lượng nhân viên làm việc tương đương với đội ngũ dân sự trong chính phủ Mỹ. Do đó, Dương Thự Quang còn được gọi là "ông trùm đường sắt".
Thật hiếm có quan tham Trung Quốc nào như Lưu Chí Quân, chỉ dùng “võ miệng” lừa tình chị em mà leo được lên tới chức...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.