Tập trung lĩnh vực tam nông
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch, xác định mục đích, nội dung cụ thể. Theo đó, Ban Thường vụ phân công nhiệm vụ, hướng dẫn Hội ND cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc xây dựng và triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình (giữa) thăm, kiểm tra mô hình trồng cà gai leo làm dược liệu tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Xuân Vương
“Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tham gia giải quyết thành 970/1.081 vụ, việc thuộc chức năng của hội, góp phần hạn chế khiếu kiện, khiếu nại, đông người, vượt cấp…”. |
Nội dung trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn. Đó là các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; chính sách hỗ trợ ND trong phát triển nông nghiệp; hoạt động của các cấp chính quyền trong cải cách hành chính, việc tiếp dân và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND...
Các cấp Hội ND trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, hội viên. Trong 5 năm qua, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức 24 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác kiểm tra, giám sát cho trên 1.900 lượt học viên.
Từ năm 2013 đến nay, Hội ND tỉnh đã tổ chức 90 đợt kiểm tra chuyên đề, định kỳ tại Hội ND cấp huyện và cơ sở; 157 đợt kiểm tra tại 957/957 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ban Kiểm tra Hội ND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 880 cuộc kiểm tra tại các cơ sở hội. Ban Kiểm tra cơ sở đã tổ chức hơn 3.500 cuộc kiểm tra tại các chi, tổ hội...
Theo bà Trần Thị Liên - Trưởng ban Tổ chức-Kiểm tra, Hội ND tỉnh, qua quá trình kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã phát hiện hầu hết các xã, phường, thị trấn ở 7 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tuyên Hóa) chưa thực hiện đúng quy định về việc trích ngân sách để xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nguồn quỹ này hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển sản xuất, xây dựng, phát triển tổ chức Hội, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở...
“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi có mời đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương tham gia và họ cam kết trích ngân sách cho quỹ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 70% cơ sở thực hiện trích ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tuy mức độ quỹ mỗi địa địa phương khác nhau, nhưng cơ bản đã thực hiện đúng quy định”- bà Trần Thị Liên chia sẻ.
Hoạt động Hội đi vào nền nếp
Ông Đinh Thanh Liên- Chủ tịch Hội ND xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa cho hay: “Nhờ các tổ chức Hội cấp trên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở nên chính quyền địa phương đã cấp ngân sách đúng quy định cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Về phía Hội, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các chi hội trong việc thực hiện Điều lệ Hội ND, phong trào thi đua và hoạt động vay vốn do Hội nhận ủy thác, tín chấp. Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã hướng dẫn, nhắc nhở nên các chi hội đều làm tốt các nhiệm vụ được giao”.
Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, Hội ND tỉnh Quảng Bình đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61-KL/TW năm 2009 (KL 61) của Ban Bí thư về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp ND Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và Quyết định số 673-QĐ/TTg năm 2011 (QĐ 673) của Thủ Tướng Chính phủ về việc Hội ND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.
Khi thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện KL 61, QĐ 673, Hội đã phát hiện một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định và nhắc nhở cần sớm khắc phục. Các hoạt động liên quan đến cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ ND như: Cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi, mở rộng phạm vi hỗ trợ đối với các giống cây trồng, vật nuôi mới, khuyến khích sản xuất phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, hàng hóa, nhất là những hàng hóa có đầu ra ổn định... đều được các tổ chức hội thực hiện tốt.
Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội ND tỉnh tham gia công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, như: Xây dựng quy hoạch, triển khai các dự án, việc đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy, việc triển khai xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân và hội viên ND, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, vi phạm quy chế dân chủ.
Hội ND tỉnh cũng đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của hội viên, ND. Qua đó, Hội đã tham mưu, đề xuất giải pháp, chương trình công tác phù hợp với từng địa phương; giúp tỉnh xây dựng chủ trương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.