Những tấm lưới trắng trong suốt như "tàng hình" cao hơn 3m, dài hàng chục mét được giăng mắc trên những chiếc cọc tre như "thiên la địa võng" để bẫy chim trời là hình ảnh PV Dân Việt ghi nhận được trên cánh đồng giáp hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).
Từ xa, không thể nhìn thấy tấm lưới được giăng bẫy trên cánh đồng, chỉ khi PV đi tới gần mới nhận ra. Lưới trắng trong suốt đến con chuồn chuồn còn mắc bẫy và đối với chim trời nếu bay qua nơi này thì cũng không tránh khỏi.
Trước tình trạng này, PV Dân Việt đã thông tin tới lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình. Không lâu sau, lực lượng kiểm lâm các huyện đã tới tận nơi kiểm tra, thu gom, xử lý các bẫy chim trời.
Ông Nguyễn Xuân Quế - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Nhận được thông tin, đơn vị đã xuống tận cánh đồng kiểm tra, thu giữ 2 máy phát tín hiệu và gom, tiêu hủy hàng loạt bẫy lưới trong suốt. Trên địa bàn cũng mới xảy ra tình trạng bẫy chim trời này, đơn vị thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền tới người dân. Qua đây, cảm ơn báo Dân Việt đã thông tin kịp thời để xử lý nạn bẫy chim trời trên địa bàn".
Ông Phạm Văn Bút - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thuỷ cho biết: "Sau thông tin phản ánh của báo, đơn vị đã đi kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, mùa mưa bão tới đây, khi chim trời di cư nhiều, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, ngăn chặn các hành vi đánh bắt chim trời trái phép".
Theo ông Phạm Văn Bút, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy đã phối hợp với Công an các địa phương, như: Phú Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Trường Thủy... tổ chức 178 đợt tuyên truyền, 48 đợt ra quân kiểm tra. Qua đó, lực lượng chức năng đã tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy 3.170 con chim mồi giả, 4.390m2 lưới, 15.007 que nhạ, 3 bộ máy phát tín hiệu, 58 bẫy kẹp và các loại súng ná cao su...
"Để ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim trời, các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện ký cam kết với các hộ dân. Đồng thời tổ chức kiểm tra, tháo dỡ và tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim tự nhiên, triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp tái diễn, cố tình vi phạm về bảo vệ chim hoang dã", ông Phạm Văn Bút cho hay.
Quảng Bình ra chỉ đạo nóng về tận diệt chim trời
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công văn, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo cán bộ và người dân tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư.
Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua cá thể chim để phóng sinh.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả, 17.641m lưới, 67.807 que nhạ, 3 lùm, lán ẩn nấp, 6 máy phát tín hiệu để bẫy bắt chim và thả về môi trường 127 chim mồi sống.
Lực lượng chức năng xử lý 1 đối tượng có hành vi sử dụng cò giả và que nhạ để bẫy bắt chim hoang dã, di cư; tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 3 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.