Quảng Nam: Đánh liều trồng thứ cây mọc hoang ra củ lạ, cô nông dân 9X xứ Tiên thành bà chủ
Quảng Nam: Đánh liều trồng thứ cây mọc hoang ra củ lạ, cô nông dân 9X xứ Tiên thành bà chủ
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 05/01/2021 13:02 PM (GMT+7)
5 năm theo chồng về làm dâu xứ Tiên, là chừng ấy năm cô gái trẻ Phạm Thị Mỵ Nương (trú thôn 3, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) biết đến cây nghệ trắng (ngải trắng) vốn mọc hoang trong rừng. Nhận thấy đây là dược liệu tốt, có thể giúp người dân cải thiện kinh tế nên chị quyết tâm trồng và chế biến cây ngải.
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây nghệ trắng, chị Nương bộc bạch: "Sau sinh, tôi được mẹ chồng cho uống nghệ trắng để mát sữa và phục hồi sức khỏe. Ban đầu tôi chỉ dùng cho mẹ an tâm, nhưng về sau thấy cơ thể khỏe khoắn, lợi sữa cho con bú nên hăng hái tìm hiểu về cách trồng và công dụng của nghệ trắng".
Người dân Tiên Phước gọi củ nghệ trắng là củ ngải, họ thường lên rừng tìm đào về để chế biến và cất trữ tinh bột nghệ trắng trong nhà như một bài thuốc quý.
Chỉ khi có người thân bị ốm nặng mới mang ra pha uống để phục hồi sức khỏe. Tuy bà con nắm được công dụng tuyệt vời của nó, nhưng diện tích trồng rất ít và chỉ chế biến thủ công sử dụng trong gia đình.
Chị Nương cho biết, củ nghệ trắng rừng là loại dược liệu quý, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm gan, phong thấp, đau nhức xương khớp, viêm da…cực kỳ hiệu quả.
Nung nấu ý tưởng năm 2018, chị mày mò, học hỏi tự sản xuất tinh bột nghệ trắng và quyết định liên kết với 10 hộ dân trong vùng để trồng 3ha nguyên liệu.
Chị đầu tư hơn 200 triệu đồng để đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất gồm: máy rửa củ, xay vắt liên hoàn, máy sấy lạnh, máy nghiền, máy đóng gói….
Khi chị dự định đầu tư sản xuất tinh bột nghệ trắng thì đa số mọi người đều phản đối, vì sợ tôi không đủ sức để làm và nghĩ sản phẩm sẽ không bán được.
"Nhưng với ước mơ có thể giúp bà con nông dân có việc làm ổn định, phát triển giá trị sản vật đặc trưng của vùng đồi núi Tiên Phước và chung tay giúp ích xã hội nên tôi không ngại thử thách", chị Nương nhớ lại.
Cây nghệ trắng dễ trồng vì nó phát triển được trong mọi điều kiện thời tiết, không bị sâu bệnh hại và trồng sau 2 năm sẽ được thu hoạch.
Tháng 6/2019, chị Nương thành lập Tổ hợp tác (THT) Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Tiên Ngọc với sự tham gia của 7 thành viên. Mở rộng quy mô vùng trồng nguyên liệu lên 7ha, cùng bà con cam kết sản xuất hữu cơ và bao tiêu đầu ra với giá 5.000đ/kg nghệ trắng tươi.
Đến hiện thực ước mơ từ cây ngải
Vừa sơ chế củ ngải chị Nương vừa nói: "Để có lượng tinh bột cao thì tôi cho trồng nghệ trắng trong 2 năm, khi củ nghệ già sẽ được thu từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, đạt trung bình 16 tấn/ha/năm...".
Từ củ ngải già chị Nương dùng máy rửa, xay, vắt ly tâm, tách bỏ tạp chất và sử dụng phương pháp sấy lạnh tiên tiến nhất nhằm giữ nguyên thành phần dinh dưỡng, màu trắng đục cũng như mùi vị thơm mát đặc trưng của củ nghệ trắng.
Tiếp tục cho vào máy nghiền mịn và đóng gói để hoàn thiện sản phẩm mang tên tinh bột ngải Tiên Ngọc, giá bán trên thị trường là 700.000 đồng/kg.
Với mong muốn "đứa con" của mình thể hiện nguồn gốc và truyền thống của địa phương, nên chị Nương đặt tên sản phẩm là tinh bột ngải.
Đây là tên gọi còn quá lạ lẫm với người tiêu dùng, tạo tâm lý e ngại khiến sản phẩm không bán được. Chính vì thế, chị nhanh chóng khắc phục và đổi tên sản phẩm thành tinh bột nghệ trắng Tiên Ngọc, làm mới bao bì bắt mắt hơn.
So với các loại nghệ khác, nghệ trắng có củ to gấp đôi và có tính mát, vị cay, hơi đắng. Người dùng có thể pha tinh bột nghệ trắng với nước hoặc sữa, sinh tố để uống mỗi ngày; làm phụ liệu nấu chè, làm bánh...
Mặt nạ làm đẹp da được trộn từ tinh bột nghệ trắng với mật ong hoặc sữa chua, sữa tươi cũng được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, những bà mẹ sau sinh dùng nghệ trắng sẽ có một dòng sữa dồi dào, mát cho em bé dùng.
Chị Nương cho biết, bã nghệ được ủ làm phân bón hoa màu phòng trừ sâu bệnh và rãi làm phân chuồng hữu cơ. Nước thải trong quá trình tách lọc tạp chất sẽ ủ lại làm nước tưới diệt sâu và trứng của côn trùng gây hại, thay thế cho thuốc trừ sâu hóa học.
Hiện nay, nông dân Tiên Phước đã mạnh dạn trồng nghệ trắng dưới những tán rừng trồng cây keo. Điều này giúp họ lấy ngắn nuôi dài, có thêm nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.
Xưởng sản xuất của chị Nương còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức lương dao động 5 triệu đồng/người/tháng. Những đặc sản khác như tiêu hạt, khổ qua rừng, mật ong núi cũng được chị đẩy mạnh phát triển.
Chia sẻ về khó khăn khi khởi nghiệp, chị Nương trăn trở: "Năm nay miền Trung nhiều thiên tai nên bà con canh tác bị gián đoạn, nguy cơ sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Thêm vào đó, nền kinh tế chung khó khăn vì Covid-19 nên sản phẩm tiêu thụ chậm. Trung bình mỗi năm, THT xuất bán 2 tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, tiêu thụ nhiều nơi như: TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…".
Nhờ có sự hỗ trợ tận tình từ chính quyền địa phương, sản phẩm tinh bột nghệ trắng đã có những thành công ban đầu và tiếp thêm động lực để chị Nương cùng nông dân vùng cao phấn đấu. Được biết, sản phẩm tinh bột nghệ trắng của chị Nương vừa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Quảng Nam năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.