Quảng Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh
Trương Hồng - Lương Luật
Thứ ba, ngày 10/11/2020 08:44 AM (GMT+7)
Công tác bảo vệ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quảng Nam đã tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho các hộ dân có tham gia nhận khoán bảo vệ rừng mà đặc biệt là người dân tại các huyện miền núi.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 nay được thay thế bằng Nghị định 156 là một chính sách tạo ra cơ chế dịch vụ chi trả giữa bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và bên cung ứng DVMTR, nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho các hộ dân có tham gia nhận khoán bảo vệ rừng mà đặc biệt là người dân tại các huyện miền núi.
Về tận thôn, bản tuyên truyền bảo vệ rừng…
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam cho biết, để triển khai thực hiện Chính sách chi trả DVMTR được kịp thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 13/1/2012 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam (nay được thay thế bằng Quyết định 420/QĐ-UBND ngày 13/2/2019).
"Từ sau khi thành lập (năm 2012) đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác tuyên truyền Chính sách chi trả DVMTR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; vì vậy trong 8 năm qua nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai thực hiện, như: In ấn tờ rơi, áp pích, sổ tay nhóm hộ, xây dựng bảng tuyên truyền, truyền thông trên các báo và đài truyền hình (trong đó có Báo Nông thôn Ngày nay-PV), thông tin lưu động, cấp vở cho học sinh tiểu học, cấp đĩa CD về nội dung tuyên truyền Chính sách chi trả DVMTR,….", ông Đức chia sẻ.
Ông Huỳnh Đức thông tin thêm, từ khi triển khai Chính sách chi trả DVMTR đến nay đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện các hoạt động quản lý bảo vệ rừng bền vững, góp phần đẩy nhanh chủ trương xã hội hóa nghề rừng, đặc biệt là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đặc biệt, nhóm hộ, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng tại khu rừng nhận khoán bảo vệ, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng để làm nương rẫy…, giảm đi đáng kể.
Nguồn thu nhập ổn định từ DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế của các hộ dân nhận khoán vảo vệ rừng; trật tự xã hội tại các địa phương trong vùng thực hiện chính sách được đảm bảo.
"Để đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian qua tất cả là nhờ vào công tác tuyên truyền tốt các chính sách chi trả DVMTR cho người dân địa phương, học sinh, những người giữ rừng đã chung tay để rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Thứ hai, trong những năm qua thông qua chương trình truyền thông cấp phát vở cho học sinh để tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR với chủ đề "đồng hành cùng em đến trường" khi cầm trên tay phần quà là những quyền vở mà Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trao tặng, hy vọng với những thông điệp in trên bìa vở sẽ hướng các em đến những hành động thiết thực góp phần chung tay cùng cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng tại Quảng Nam được tốt hơn…", ông Đức mong muốn.
Tập huấn đưa công nghệ để bảo vệ rừng.
Ông Huỳnh Đức chia sẻ thêm, ngoài công tác tuyên truyền trên các bảng hiệu, báo chí, sách vỡ ra, hằng năm Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh còn triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn cho những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng dùng công nghệ vào tham gia công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.
"Mới đây, Qũy tổ chức lớp tập huấn cơ bản về phần mền Mapinfo và máy định vị GPS cầm tay cho hàng chục cán bộ là cán bộ xã phụ trách lâm nghiệp theo dõi công tác chi trả DVMTR, cán bộ của các Ban quản lý rừng. Mục đích lớp tập huấn này là nâng cao năng lực nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng bằng công nghệ được đảm bảo tốt hơn", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Duy Mỹ (cán bộ địa chính xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) kiêm nhiệm lâm nghiệp xã tham gia lớp tập huấn cho biết, lâu nay tôi đã sử dụng phần mền Mapinfo và máy định vị GPS cầm tay để xác định các địa điểm rừng trên địa bàn mình phụ trách. "Nhưng qua lớp tập huấn này cũng nhằm mục đích mình được nâng cao lơn trong công tác sử dụng máy móc hiện đại, dùng công nghệ vào bảo vệ rừng được tốt hơn. Ngoài các lớp tập huấn ra, những người tham gia bảo vệ rừng như mình còn được nắm thông tin tuyên truyền qua báo chí, truyền hình. Từ đó mình xác định công tác bảo vệ rừng phải đặt lên hàng đầu", ông Mỹ chia sẻ.
Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, tính đến thời điểm này Quỹ đã triển khai các công việc và đang thi công xây dựng 48 bảng tuyên truyền tại các đơn vị chủ rừng như, các BQL RPH Bắc Sông Bung 10 bảng, A Vương 14 bảng, Sông Kôn 12 bảng; BQL Khu BTTN Ngọc Linh 10 bảng và Vườn Quốc gia Bạch Mã (lâm phận thuộc tỉnh Quảng Nam) 2 bảng).
Mua sắm 22.300 băng đeo tay cho các hộ nhận khoán, đóng mới 10 thuyền máy cấp cho các BQL rừng và Hạt Kiểm lâm để thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng. Như vậy, tính đến nay tổng số bảng tuyên truyền đã được xây dựng tại các địa phương là 116 bảng/10 đơn vị.
Bên cạnh đó, năm 2017 Qũy còn cấp miễn phí 10.000 cuốn vỡ tuyên tuyền về bảo vệ rừng (trị giá 80 triệu đồng) cho 10 xã của 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang.
Ngoài ra, Quỹ còn phối hợp với Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam thực hiện một số chuyên mục về mở rộng chi trả DVMTR và tuần tra bảo vệ rừng của các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán. Đến thời điểm này đã có 350 thôn, bản của 70 xã của 11 huyện trên địa bàn tỉnh tham gia vào chi trả DVMTR.
"Công tác tuyên truyền năm 2020 tổ chức tuyên truyền tập huấn phần mềm FRMS; Tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng; Tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (QRT) đã phát sóng 6 chuyên mục. Tuyên truyền trên các Báo Quảng Nam; Báo Nông thôn ngày nay; Báo Pháp luật và Đời sống…. Tổng cộng 20 số.
Đặc biệt, còn tuyên truyền trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Thực hiện tại 6 huyện như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My; với số lượng 12 chuyên mục/năm/huyện. Hoàn thành thiết kế, in ấn, cấp phát 10.000 cuốn vở và 5.000 mũ cho học sinh miền núi 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang mang thông điệp về bảo vệ rừng và chi trả DVMTR. Tổng cộng kính phí tuyên truyền năm 2020 là 2.342.460.000 đồng", Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.