Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”

Trương Hồng Thứ sáu, ngày 09/09/2022 15:32 PM (GMT+7)
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc… Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022), ngày 9/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh".

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhà yêu nước Phan Châu Trinh hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9/9/1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và hiếu học.

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” - Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh". Ảnh: T.H

Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ phó bảng nhưng phải trở về quê lo đám tang anh ruột và ở lại quê nhà dạy học. Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ làm Thừa biện Bộ lễ, trong thời gian ở Huế, ông có điều kiện đọc các sách về công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết Tam dân "Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với xu hướng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp và những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ... đã tác động mạnh mẽ, chuyển biến trong tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” - Ảnh 2.

Quan cảnh hội thảo khoa học "Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh". Ảnh: T.H

Vì vậy, tuy sống và làm quan ở kinh đô nhưng tấm lòng luôn mang nặng nỗi đau của người dân mất nước. Do đó, ông đã từ quan trở về quê và năm 1904, tại làng Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu gặp nhau để bàn việc cứu nước.

Sau khi đàn áp và dập tắt phong trào Cần Vương, từ những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Nhân dân ta "một cổ hai tròng" bị bóc lột bởi sưu cao, thuế nặng cộng với chính sách chia để trị, kìm hãm sản xuất, vơ vét tài nguyên cung cấp cho chính quốc.

Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân, từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” - Ảnh 3.

Lược sử về nhà yêu nước Phan Châu Trinh tại khu nhà lưu niệm ở huyện Phú Ninh. Ảnh: T.H

Đến năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam. Tại trường thi Bình Định, Phan Châu Trinh viết bài thơ "chí thành thông thánh", bài xìch lối học, khoa cử từ chương. Tiếp tục vào Nam, các ông đến Cam Ranh tìm hiểu sự tiến bộ của kỹ thuật văn minh phương Tây. Khi vào Bình Thuận, Phan Châu Trinh cùng các nhân sỹ hô hào duy tân, cải cách, thành lập công ty Liên Thành và trường Dục Thanh.

Tại Phan Thiết, mặc dù bị bệnh, ông vẫn gắng sức tuyên truyền những tư tưởng mới về dân chủ, tự cường. Sau đó, ông về Quảng Nam và đến đầu năm 1906, ông có chuyến ra Bắc, chuẩn bị thành lập cơ sở duy tân tại Hà Nội, rồi lên Yên Thế, tìm hiểu hoạt động chống Pháp của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám; sau đó sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, đồng thời tìm hiểu chính sách duy tân của nước Nhật .

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” - Ảnh 4.

Phía trước gian nhà chính của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Ảnh: T.H

Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước.

"Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từng bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ", ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” - Ảnh 5.

UBND thành phố Tam Kỳ vừa trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ XXI nhằm chào mừng kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022). Ảnh: T.H

Tại hội thảo "Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh" đã có 50 tham luận của các lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước, tập trung phân tích, khai thác về bối cảnh thời đại tác động đến tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; sự ảnh hưởng của phong trào Duy tân và tư tưởng canh tân đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tư tưởng canh tân, đổi mới của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem