Quảng Nam muốn đưa loài dược liệu quý hiếm nào cạnh tranh tại thị trường thế giới?
Sở hữu 36 loại cây thuốc cực kỳ quý hiếm, Quảng Nam tham vọng lọt top 3 thị trường ASEAN về dược liệu
Trương Hồng
Thứ ba, ngày 28/06/2022 11:10 AM (GMT+7)
Quảng Nam mong muốn phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong tỉnh, trong khu vực thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới…
Ngày 28/6, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh vừa có báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển dược liệu thời gian qua và đề xuất Đề án hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Y tế xin ý kiến.
Quảng Nam có 36 loài cây thuốc cực kỳ quý hiếm
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) tại Quảng Nam có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam".
Những loại dược liệu quý được phát hiện như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng, cẩu tích, lan kim tuyến, đại hồi, màng tang,...
Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ. Tổng diện tích cây dược liệu được thống kê khoảng 2.471 ha, trong đó chủ yếu là ở các huyện miền núi của tỉnh.
"Do vậy, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực này, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, Quảng Nam đã xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi..., là hai hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm đến...", ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu sâm Ngọc Linh đã được xác định là 15.567 ha.
Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh và cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đến nay, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là 1.428,96ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân 428,96 ha, tổ chức, doanh nghiệp 1.000 ha.
Quảng Nam muốn đưa cây dược liệu vào tốp 3 thị trường ASEAN
"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh, trong đó có một số đơn vị tiêu biểu như Công ty Cổ phần Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty TNHH dược Phaco, Công ty TNHH MTV Sâm Bách Sanh, Công ty Cổ phần Phát triển Dược liệu Quảng Nam,... tham gia thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh.
Trong đó, các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, rượu diệp linh sâm, dung dịch uống sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh... với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 - 60 kg/năm.
Nhìn chung, các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn rất ít và sản phẩm chưa phong phú. Do vậy, thời gian tới cần tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn và đầu tư chế biến sản phẩm từ cây dược liệu quý này.
Ngoài ra, sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng", ông Bửu nhấn mạnh.
Riêng đối với cây dược liệu trồng mới, trong 5 năm (2016 - 2020), UBND tỉnh Quảng Nam đã bố trí nguồn kinh phí 24.659,8 triệu đồng để thực hiện các hạng mục bảo tồn và phát triển 3 cây dược liệu đó là, đảng sâm, sa nhân tím và ba kích tím…
"Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu nhưng vẫn chưa tạo được sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực; chưa hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sơ chế - chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các cơ chế chính sách trong thời gian qua, cũng như giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh nói riêng, cây dược liệu nói chung trong thời gian tới để phát triển thành Trung tâm công nghiệp dược liệu là hết sức cần thiết.
Mục tiêu của việc xây dựng Trung tâm công nghiệp dược trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
Bên cạnh đó, còn phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong tỉnh, trong khu vực thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới…", ông Bửu cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.