Xã hội hóa
Liên quan đến chủ trương thu phí cách ly đối với người dân trở về từ 2 địa phương là Hà Nội và TP.HCM gây nhiều ý kiến trái chiều, sáng nay 6/4, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã thống nhất người dân sẽ không hề mất khoản nào khi bị cách ly tập trung. Chi phí sẽ do chính quyền vận động, xã hội hóa.
Cụ thể, tại phiên họp giao ban của Thường trực HĐND tỉnh sáng nay (6/4), ông Phan Việt Cường - Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất chỉ đạo: Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh vận động, sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp cách ly tập trung đối với người dân Quảng Nam từ vùng dịch trở về trong thời gian 1/4 - 15/4.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng phải phối hợp Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác hỗ trợ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch hiện nay; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, ông Phan Việt Cường cũng yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu hỗ trợ kinh phí thực hiện xét nghiệm, chỗ ở, điện, nước cho những trường hợp bị cách ly.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, BCĐ đã tổ chức tiếp nhận 294 người từ TP.HCM và Hà Nội về Quảng Nam, đưa vào khu cách ly tập trung tại các huyện và tỉnh.
Trước đó, trả lời PV Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, chủ trương ban ra là thế và lãnh đạo tỉnh cũng như Ban chỉ đạo đã trả lời rõ ràng trên công luận.
"Hiện nay nhiều địa phương cũng áp dụng tương tự chứ không riêng gì Quảng Nam. Tuy nhiên, đến giờ này ngân sách vẫn đang chi hết, bà con chưa chi ra đồng nào. Về cơ bản sau này HĐND tỉnh quyết thế nào thì thực hiện như thế" - ông Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh mong muốn người dân Quảng Nam xa quê làm ăn ở các thành phố nơi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên ở yên tại chỗ theo kêu gọi của Chính phủ để cùng chung tay, góp sức chống dịch, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với quê hương mình trong lúc khó khăn này. Nếu ai quá khó khăn, tỉnh sẽ phối hợp với Hội đồng hương vận động hỗ trợ.
Thu tiền là phụ, hạn chế đi lại là chính?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN - Đà Nẵng) cho hay, theo Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bắt buộc phải tổ chức cách ly y tế đối với những người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh Covid-19.
Cụ thể, đối với những người xuất phát hoặc đi qua các vùng bệnh dịch tùy từng trường hợp mà áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, tại cửa khẩu hay tại các địa điểm, cơ sở khác theo quy định tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP.
Đồng thời, theo Điều 2 Thông tư 32/2012/TT-BTC, ngày 29/02/2012, các đối tượng này khi bị áp dụng biện pháp cách ly trừ việc người bị cách ly tự chi trả bữa ăn theo yêu cầu thì các chi phí khác sẽ được miễn bao gồm: chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các chi phí phát sinh khác trong thời gian cách ly.
Hiện nay, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các ổ dịch lớn nằm tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như Hà Nội, TPHCM, việc một số các địa phương có chính sách thu phí cách ly y tế đối với những người trở về từ các thành phố này được xem là biện pháp nhằm hạn chế việc di chuyển đối với những trường hợp nhà nước không cho phép.
Chính sách này được thông báo đến người dân để người dân tự ý thức, xác định việc có nên lựa chọn di chuyển, lựa chọn sẽ thực hiện một hành vi có nguy cơ bị xác định là vi phạm pháp luật và cũng là biện pháp để giúp người dân tránh các rủi ro pháp lý.
Theo luật sư Hậu, mục đích của chính sách này không phải là nhằm thu một khoản tiền phí cách ly mà quan trọng hơn hết là hạn chế việc người dân không ra đường trong tình hình hiện nay, từ đó nhà nước dễ dàng hơn kiểm soát được tình hình dịch bệnh và có phương án phòng chống dịch bệnh hiệu quả để đất nước sớm đạt được kết quả trong việc chống dịch.
"Chính sách đưa ra hiện nay của Chính phủ, các địa phương chắc chắn đều nằm trong sự đắn đo, cân nhắc và vì mục đích an toàn cho người dân, sớm giúp chúng ta thoát khỏi hiểm họa dịch bệnh" - luật sư Trần Hậu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.