Hiểm họa chực chờ
Giữa tháng 2, dòng nước sông Trà Bồng đi qua xã Trà Phú bị đẩy sát vào phía bên bờ bắc. Dù chỉ còn rộng hơn chục mét, nhưng mực nước vẫn rất sâu, chảy rất mạnh. Anh Trịnh Văn Hóa (40 tuổi), nhà ở gần sông, cho biết: Chỉ cần bất cẩn trượt chân thì nước sẽ cuốn trôi về hạ lưu ngay.
|
Một học sinh tiểu học chèo thúng qua sông. |
Người dân trong xã cho biết, hơn 20 năm trước, theo lời vận động của các cấp ngành huyện Trà Bồng, khoảng 35 hộ dân thôn Phú Hòa đã dắt díu nhau sang bờ bắc, lập thành xóm Nà Ân để sinh sống, làm ăn. Vào mùa nắng thì lội qua, thế nhưng chỉ cần vài cơn mưa lớn, thì phải dùng thúng chèo. “Vào mùa mưa lũ, chuyện cả xóm này bị cô lập cả tháng trời là thường tình” - anh Hóa bộc bạch.
Sống ở nơi như vậy nên ở Nà Ân, từ già đến trẻ, ai cũng là tay chèo cừ khôi. Điều mà người dân Nà Ân sợ nhất là bị đau ốm bất thình lình. Còn nhớ vào một tối mùa lũ cách đây chưa lâu, một người dân trong xóm bất ngờ bị đau. Lúc này trời đang mưa như trút. Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Biết vượt sông là quá nguy hiểm, thế nhưng không đành lòng để người bệnh chết, một số người đành “liều mạng”.
Họ khiêng thúng lên mãi phía trên, rồi lựa 2-3 người khỏe nhất chèo chở người bệnh sang. Cả 2 bên bờ, người dân đốt đuốc nín thở theo dõi. Sau hơn 1 giờ đấu sức, người bệnh mới được sang bờ bên kia và đưa đi cấp cứu.
Không chịu nổi sự nguy hiểm, cách trở nên nhiều hộ dân Nà Ân đã lần lượt trở về nơi ở cũ, chỉ còn lại 14 hộ, với 50 nhân khẩu. “Nếu không tiếc số tiền tích cóp bao lâu nay đã bỏ vào xây nhà cửa... thì cả nhà tôi đã sang lại bên kia lâu rồi” - anh Trịnh Minh Toán (35 tuổi), người dân trong xóm, cho biết.
“Nuốt sợ” cho con tới trường
Không chỉ dân dân Nà Ân chịu khổ, người dân Phú Hòa cũng hết sức vất vả vì gần như toàn bộ đất sản xuất đều nằm ở đây. Ngày ngày, hàng trăm người dân ở bờ nam cũng phải vượt sông sang trồng trọt, thu hoạch. Theo người dân địa phương thì đã có hàng chục vụ lật thúng xảy ra, may mắn là chưa có ai tử vong. “Biết qua sông nguy hiểm chực chờ, nhưng không qua thì biết làm gì mà sinh sống” - chị Võ Thị Hải, ở xóm 3, thở dài.
Với người dân xóm Nà Ân, tài sản quý nhất là chiếc thúng. Người nào có điều kiện thì sắm thúng lớn (1 triệu đồng/thúng), nhà không có điều kiện thì sắm thúng nhỏ (700 nghìn đồng/thúng). Là thúng nan nên chỉ sau một năm là hỏng. Vì vậy hầu như năm nào người dân trong xóm cũng phải mua thúng mới.
Người lớn thì không nói làm gì, chỉ sợ cho học sinh, nhất là bậc tiểu học. Theo ông Võ Văn Nhụ - Trưởng thôn Phú Hòa, xóm Nà Ân hiện có 22 cháu, trong đó tiểu học 10 cháu, còn lại là THCS và THPT. Những hôm nước lớn, nhìn chiếc thúng bé tẹo chở 4-5 em trồi lên thụp xuống giữa dòng nước dữ, cha mẹ chỉ muốn... cho con nghỉ học.
“Thấy qua lại nguy hiểm quá, có lúc muốn cho con nghỉ học. Thế nhưng đêm nằm nghĩ thấy đời mình đã khổ vì không được học hành đến nơi đến chốn, lẽ nào nay lại để con cháu thất học, nên đành “nuốt sợ” để chúng nó tiếp tục đến trường” - ông Trịnh Xí tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thu Lệ - Chủ tịch UBND xã Trà Phú, giãi bày: Năm nào cũng vậy, xã đều trích kinh phí để mua thúng cấp cho người dân. Đã nhiều lần địa phương kiến nghị với huyện, tỉnh xin đầu tư xây cầu. Thế nhưng vẫn chưa nghe trên nói gì.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.