Những vườn cau…trăm triệu
Cau ở Nghĩa Hành rộ nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, trong khoảng thời gian đó, mỗi vườn có thể thu được vài đợt trong năm. Được biết, giá cau tại các điểm thu mua vào khoảng 26- 28 nghìn/kg cau buồng.
Ông Bùi Tấn Quý, ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, Hành Đức, Nghĩa Hành sở hữu vườn cau “khủng” nhất vùng, với 400 cây cau cho trái. Mỗi năm vườn cau nhà ông cho thu hoạch hơn 7 tấn cau trái. Bắt đầu từ giữa tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, cứ 17-20 ngày là lại có người đến hái cau nhà ông.
“Lúc trước trồng cau cũng chẳng nghĩ là sau này sẽ có tiền nhiều đến thế, cau mấy năm trước bấp bênh thấy cũng nản, nhưng 4 năm lại đây giá cau cao nên tôi rất phấn khởi”, ông Quý nói.
Vườn cau nhà ông Quý năm nay cho trái bội thu
Ông Quý còn kể, buồng cau nặng nhất trong vườn nhà mình từng thu được nặng đến 15kg. Có lần, chỉ với một cây cau đã đem về cho ông hơn 500 nghìn tiền bán cau.
Vườn cau nhà ông Quý tính đến nay đã được 15 năm. Khoảng 4 năm nay, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/ năm nhờ bán cau trái.
Theo người dân, cây cau sống khỏe, ít bị bệnh lại vừa ít tốn công chăm sóc mà đến khi thu hoạch thì có người đến hái rồi đưa tiền nên chủ nhà chẳng phải làm gì nhiều. Nhà nhiều thì vài trăm gốc, ít thì cũng có được chục gốc cau cho trái trồng quanh góc vườn, đến kì thu hoạch thì cũng có của để dành.
Sở hữu vườn cau còn “khủng” hơn vườn cau của ông Quý, đó là vườn cau của ông Huỳnh Ngọc Ái, ở tổ dân phố Phú Vinh Đông, thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành với 700 gốc cau cho trái, được trồng trên mảnh vườn gần 1ha. Hằng năm, tổng cộng vườn cau của ông thu hoạch được khoảng 15 tấn cau trái, đem về cho gia đình một khoảng tiền không nhỏ.
Ông Ái kể, mấy năm trước giá thấp nên mọi người đều chặt bỏ cau hết nhưng trong 3-4 năm trở lại đây cau được giá nên hàng xóm xung quanh đều tiếc đứt ruột.
“Vườn cau này tôi trồng cách đây hai mươi mấy năm rồi, đặc biệt, cau nhà tôi ra buồng rất dài nên quả cũng rất nhiều, cho trái từ nay đến tận tháng 2 âm lịch. Trung bình mỗi năm, một cây cau tôi thu về 500 nghìn, tính ra cũng nhờ vườn cau mà nhà tôi có “chỗ dựa” lúc ốm đau”, ông Ái nói.
Cũng theo ông Ái, để cau ra trái nhiều thì sau mỗi đợt thu hoạch phải làm cỏ thật sạch và bón phân cho cây cau và tuyệt đối không được bán cau quá non vì như thế sẽ làm ảnh hưởng cau lứa sau.
Nhộn nhịp đầu vụ cau
Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy chở đầy cau trên đường, những người thợ trèo cau đi từ sáng sớm đến cỡ độ 9 giờ sáng là cau đã nặng trĩu yên xe. Cau được giá nên niềm vui, sự hớn hở cũng hiện rõ trên gương mặt mỗi người.
Những người hái cau như anh Nga phấn khởi khi cau được giá
Anh Phạm Văn Nga ở xã Nghĩa Sơn, Tư Nghĩa làm nghề hái cau được gần chục năm chia sẻ, cứ đến mùa cau một ngày anh đi hái 2 lần (sáng sớm và xế chiều), mấy ngày này những người đi hái cau như anh ít thì ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn, người nhiều thì cũng kiếm được hơn triệu nên thu nhập cao hơn ngày thường. Từ đầu tháng 7 đến giờ anh đi khắp ngõ ngách ở huyện Nghĩa Hành để hỏi hái cau, rồi đem bán lại cho các điểm thu mua.
Chị Nguyễn Thị Nở, là chủ một điểm thu mua cau đặt ở xã Hành Thuận, Nghĩa Hành cho biết, điểm thu mua cau của chị mở cách đây 2 năm, khoảng thời gian về trước chị có điểm thu cau ở huyện Tư Nghĩa nhưng nhận thấy mở điểm thu mua ở Nghĩa Hành có nhiều thuận lợi hơn nên chị quyết định đến đây.
Chị Nở còn cho biết thêm, lượng cau ở đây khá lớn, quả cau đẹp, đều nên thương lái rất chuộng, cộng với thời gian thu hoạch kéo dài và thuận đường đi của cau từ các huyện Minh Long, Ba Tơ đổ về hơn.
Cau đầu mùa chất lượng làm hài lòng thương lái
Đang độ rộ cau trong năm, nên các lò sấy cau cũng đua nhau gom hàng từ các điểm thu mua. Là chủ của một lò sấy ở xã Hành Đức, Nghĩa Hành, anh Trịnh Lợi chia sẻ: Mới chỉ đầu mùa nên lò sấy của anh chỉ hoạt động cầm chừng, cứ 5 ngày cho ra được 2 tấn cau khô. Cũng theo anh Lợi cau đầu mùa khá đẹp, thương lái rất hài lòng, đến thời gian cao điểm lò của anh có thể sấy được 10 tấn cau khô chỉ trong 7 ngày.
Theo những chủ lò sấy cau, cau đầu mùa lúc nào cũng được giá nhưng càng về sau giá càng hạ, mặc dù chưa biết năm nay thế nào nhưng giá cả vẫn phải phụ thuộc cả vào thương lái Trung Quốc, vì cau sấy khô chủ yếu được xuất sang thị trường này.
Trần Tươi (Báo Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.