Quảng Ninh: Làm tốt công tác chăm lo cho người có công với cách mạng

Minh Anh Thứ tư, ngày 13/11/2019 15:45 PM (GMT+7)
Cùng với việc thực hiện tốt công tác chi trả chế độ cho người có công, nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh cũng đã nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa với người có công. Điển hình trong đó là thực hiện tốt chế độ chính sách về nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận 0

Gần 5.000 hộ người có công được hỗ trợ làm nhà

Cùng với cả nước, công tác "Đền ơn đáp nghĩa", thực hiện chính sách hỗ trợ đối với gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, góp phần nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho các đối tượng.

img

Ông Nguyễn Hữu Thiệp – Trưởng phòng Người có công Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có trên 14.000 NCC hưởng chính sách như thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến... Để chăm lo tốt đời sống cho NCC trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngoài việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ những chế độ theo quy định của Nhà nước cho các đối tượng, tỉnh còn đẩy mạnh nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" như sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách neo đơn; hỗ trợ vốn cho gia đình chính sách làm kinh tế; hỗ trợ học phí cho con em gia đình thương, bệnh binh học đại học, cao đẳng...

“Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu đảm bảo 100% người có công với cách mạng, thân nhân của họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư xã, phường nơi cư trú, đời sống vật chất, tinh thần cho người có công ngày càng được nâng cao” – ông Thiệp nói.

Một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh những năm qua là quan tâm đến nhà ở cho người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, trong giai đoạn 1 (2013-2015), toàn tỉnh có 4.927 hộ được hỗ trợ về nhà ở.

Tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ NCC về nhà ở giai đoạn 2 (2017-2018), các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 3.766 hộ NCC đã được UBND tỉnh phê duyệt (gồm 1.954 hộ xây mới và 1.812 hộ sửa chữa), tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là 171.720 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Cầu (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên), là một trong những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách cải thiện nhà ở cho NCC trên địa bàn phường. Do xây dựng từ lâu nên căn nhà của gia đình ông đã xuống cấp, nhưng vì cao tuổi, không có nguồn thu nhập ổn định, nên ông bà chưa có điều kiện xây dựng lại. Thực hiện sự chỉ đạo của TX Quảng Yên, phường Nam Hòa đã triển khai công tác hỗ trợ giúp đỡ gia đình ông Cầu xây dựng lại căn nhà. Căn nhà mới được xây dựng trên diện tích 54m2 với trị giá gần 400 triệu đồng, trong đó tỉnh và thị xã hỗ trợ 60 triệu đồng giúp gia đình ông có thêm nghị lực, phấn đấu xây dựng lại căn nhà cho an toàn, khang trang.

Đa dạng các giải pháp huy động nguồn lực

Mặc dù là địa phương hoàn thành sớm Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Quảng Ninh cũng gặp phải không ít khó khăn. Với số lượng người có công lớn, nhà ở của các hộ gia đình lại được xây dựng từ lâu, đến thời điểm triển khai hỗ trợ đều đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Số lượng nhà xây mới vì thế cũng tăng vọt, gây không ít khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chính sách không có khả năng huy động kinh phí tự xây dựng, hoàn toàn phải trông chờ kinh phí hỗ trợ; nhiều hộ gia đình vướng mắc về đất đai, quy hoạch… gây không ít trở ngại đối với mục tiêu hoàn thành đúng thời hạn. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao của chính quyền cùng sự linh hoạt trong huy động các nguồn lực, niềm vui đã đến sớm hơn với các hộ gia đình chính sách.

Theo đó, ngoài ngân sách từ Trung ương và ngân sách tự cân đối, tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực tài chính từ xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tận dụng các nguồn lực tài chính từ nước ngoài, kiều bào. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được đẩy mạnh trong quần chúng nhân dân cũng tạo cơ sở cho việc huy động nguồn kinh phí hỗ trợ. Nhiều mô hình huy động và sử dụng tài chính hiệu quả cho công tác chăm sóc người có công được nhân rộng, phổ biến. Các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương và của các tổ chức cũng được đa dạng hóa. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích xây dựng quỹ, đồng thời chú trọng công tác quản lý, sử dụng quỹ minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả.

Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cũng chủ động, linh hoạt thu hút các nguồn lực, vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm gây dựng quỹ của địa phương để hỗ trợ cho các gia đình người có công trên địa bàn. Theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh, sở dĩ việc triển khai thực hiện Đề án được tiến hành suôn sẻ và nhanh chóng hoàn tất, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng sự hưởng ứng của UBMTTQ, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn. Đề án thực sự tạo nên một tiếng vang rất lớn, tạo được đồng thuận của nhân dân.

Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Cùng với hỗ trợ NCC khó khăn về nhà ở, ngành LĐTBXH giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng cho 38 đối tượng, chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 2.888 gia đình liệt sĩ, thực hiện chế độ điều dưỡng cho 4.988 đối tượng, cấp dụng cụ chỉnh hình cho 717 đối tượng NCC với kinh phí 856,5 triệu đồng; chế độ BHYT cho 3.276 đối tượng; trợ cấp cho 200 học sinh, sinh viên khó khăn với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng.

Hàng năm, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng nhân ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH phát động đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh; hướng dẫn các địa phương tổ chức phát động phong trào ủng hộ, đóng góp, xây dựng quỹ. Trong năm 2018, quỹ các cấp đã huy động được trên 4,4 tỷ đồng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem