Quảng Trị: Lợi dụng mưa lũ để vào rừng cưa phá hàng loạt cây gỗ tự nhiên
Quảng Trị: Lợi dụng mưa lũ để vào phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa
Ngọc Vũ
Thứ sáu, ngày 26/11/2021 16:10 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang truy tìm đối tượng cưa phá 36 cây rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá. Theo nhận định ban đầu, các đối tượng lợi dụng khi mưa lũ, lực lượng bảo vệ rừng (BVR) rút quân để phá rừng.
Ngày 26/11, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị về việc khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ phá rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá.
Theo đó, Sở này đã chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm Hướng Hoá, chủ rừng là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá phối hợp cùng cơ quan công an, chính quyền địa phương truy tìm đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo pháp luật; xử lý trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị liên quan và tuyên truyền nhân dân bảo vệ rừng.
Trước đó, vào hôm qua (25/11), PV Dân Việt đã cùng đoàn cán bộ liên ngành do bà Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị dẫn đầu băng rừng, lội suối khoảng 6km để đến hiện trường, kiểm tra vụ phá rừng.
Theo đó, từ Km 27 quốc lộ 9 (đoạn thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), đoàn bắt đầu đi vào rừng, vượt qua 2 khu vực suối sâu, nước chảy siết (khu vực này trước đây có đường nhưng trận lũ năm 2020 đã khiến đường bị sạt lở, cuốn trôi) mới đến được khu vực thôn Cát, Trĩa, thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá. 2 thôn này không có sóng điện thoại.
Tiếp đến, đoàn đi bộ khoảng 6km, luồn giữa rừng, vượt qua những đường mòn chỉ vừa một người đi, lội giữa suối lởm chởm đá sắc nhọn, nước chảy siết. Dọc con suối, đoàn bắt gặp một vài khu gỗ đã được cưa xẻ còn mắc kẹt ở những gành đá. Có người dân đốn củi, chặt thành khúc ngắn tầm 1 mét rồi thả trôi theo dòng suối để đưa về bản.
Người dân địa phương cho biết, con suối này là con đường duy nhất để vào khu vực cây rừng bị cưa hạ. Vì quãng đường xa, khó đi, họ không thể gánh củi về nên nghĩ ra cách thả củi trôi theo dòng nước. Ở hạ nguồn, họ dùng đá xếp chặn ngang dòng suối để đón củi. Những đối tượng cưa phá rừng cũng làm theo cách tương tự để đưa những súc gỗ về nhà.
Trên đường đi, đoàn ghé vào một lán trại của lực lượng BVR thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá. Lán trại này rất đơn sơ, được che bằng những tấm nilon, xung quanh dùng dây rừng để buộc. Thời gian dài vừa qua, 2 nhân viên BVR ăn, ngủ tại rừng trong khoảng 3 ngày trong điều kiện thiếu thốn vật chất, tinh thần, sau đó đổi ca trực cho 2 người khác.
Sau 3 giờ đồng hồ đi bộ, đoàn đến được hiện trường một cây lớn bị cưa hạ tại tiểu khu 645. Cây gỗ này thuộc nhóm III-VI, đường kính 90cm, dài khoảng 25m, còn nguyên, chưa bị cưa xẻ.
Trên gốc của cây gỗ này có ghi dòng chữ: "KBT-KT 26/10/201", nghĩa là Khu bảo tồn kiểm tra ngày 26/10/2021.
36 cây gỗ bị cưa hạ
Ông Hà Văn Hoan - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá cho biết, từ ngày 25/10 - 15/11/2021, đơn vị đã phối hợp Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa tổ chức kiểm tra 4 đợt tại khu vực rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Ban quản lý.
Qua 4 đợt kiểm tra, đoàn đã phát hiện 36 gốc cây rừng tự nhiên đường kính từ 25cm đến 90cm bị khai thác trái pháp luật tại vị trí lô 1, 2 khoảnh 4 và lô 1, khoảnh 2 tiểu khu 645 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Tại hiện trường còn lại 2 cây còn nguyên cành nhánh; 13 lóng gỗ đường kính từ 20cm đến 50cm, chiều dài từ 2,5m đến 6m; 8 hộp gỗ. Thời gian khai thác khoảng từ tháng 9 đến giữa tháng 10/2021.
Theo ông Hoan, sau khi phát hiện vụ phá rừng, Ban đã báo nhanh số 85/BC-BQL ngày 8/11/2021 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT; đồng thời tăng cường lực lượng BVR về địa bàn để tuần tra, chốt chặn, bảo vệ hiện trường; làm rõ trách nhiệm của cán bộ, nhân viên phụ trách tiểu khu 645.
Theo nhận định ban đầu của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2021, diễn ra liên tục các cơn áp thấp nhiệt đới và bão số 5, số 6, tình hình mưa bão kéo dài gây sạt lỡ, chia cắt tuyến đường từ bên ngoài vào khu vực 2 thôn Cát, Trĩa - xã Hướng Sơn.
Việc đi lại khó khăn, cán bộ bảo vệ rừng khó tiếp cận địa bàn được giao phụ trách nên khả năng người dân địa phương lợi dụng lúc trời mưa nước dâng cao, các lực lượng chức năng không kiểm soát nên người dân đã vào rừng khai thác và vận chuyển gỗ theo khe, suối để đưa ra khỏi rừng.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá và Hạt Kiểm lâm Hướng Hoá cho hay, từ đầu năm 2021, tại khu vực Cát, Trĩa - xã Hướng Sơn, Ban đã có thành lập 1 Trạm quản lý, bảo vệ rừng gồm 4 viên chức bảo vệ hơn 5.000ha rừng. Tuy Hạt Kiểm lâm Hướng Hoá đã bắt giữ 4 vụ khai thác rừng trái phép tại khu vực rừng Cát, Trĩa, trong đó xử phạt 1 vụ với mức 10 triệu đồng nhưng vì địa bàn rộng (1 cán bộ BVR phải quản lý 1.250ha rừng), địa hình khó khăn, hiểm trở, tình hình mưa lũ liên tục, kéo dài, nước ở con suối – con đường độc đạo vào tiểu khu 645 dâng cao, nguy hiểm nên không tránh khỏi sai sót.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Hanh – Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, dù chính quyền, cơ quan chức năng đã tuyên truyền vận động nhưng do điều kiện kinh tế của người dân ở 2 thôn Cát – Trỉa còn nhiều khó khăn, không có tiền mua vật liệu xây dựng nên đã vào rừng đốn hạ cây gỗ về, chủ yếu để làm nhà, chuồng trại chăn nuôi…
Ông Trần Văn Hùng - Phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng Trĩa cho biết, ngoài điều kiện vật chất, tinh thần thiếu thốn, cán bộ, nhân viên BVR còn đối mặt nhiều nguy hiểm khi phải ở lại rừng sâu.
"Chỉ 2 đến 3 anh em chúng tôi ở trong rừng, không có sóng điện thoại, không thể nào liên lạc ra bên ngoài, không có công cụ hỗ trợ... Nếu xảy ra vụ việc gì nóng liên quan đến khai thác rừng trái phép, tính mạng chúng tôi sẽ bị đe doạ", ông Hùng chia sẻ.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, để bảo vệ rừng tốt hơn, Sở đề nghị UBND tỉnh, Bộ NNPTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí giao khoán BVR, xây dựng Trạm quản lý, BVR; bên cạnh đó các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng.
"Quan điểm của Sở liên quan đến vụ phá rừng ở tiểu khu 645 là phải điều tra, xử lý nghiêm", bà Phương khẳng định.
Hành trình đến khu vực bị khai thác rừng trái phép. Clip: Ngọc Vũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.