Quê Hà Hồ đẹp khó tin trong bom tấn triệu đô "Kong"

Yên Chi Thứ bảy, ngày 11/03/2017 09:53 AM (GMT+7)
Cảnh sắc Việt Nam, đặc biệt là Quảng Bình khiến khán giả khó nhận ra.
Bình luận 0

King Kong từ lâu đã là một “gương mặt thân quen” của điện ảnh Hollywood. Từ năm 1933, “chàng” King Kong đầu tiên đã lên màn ảnh ra mắt khán giả, cho đến phiên bản làm lại năm 2005 của đạo diễn Peter Jackson đã đưa Kong trở thành quái thú ấn tượng nhất màn ảnh.

Thế nhưng đến năm 2015, hãng Warner Bros phong thanh lên tiếng về việc sẽ đưa Kong trở lại màn ảnh. Nhiều người hồ nghi Kong sẽ thế nào ở phiên bản 2017? Sẽ tiếp tục là một con khỉ đột khổng lồ, lao vào giữa New York khiến người dân hoảng loạn như những gì khán giả vẫn quen thuộc về nó?

img

Cảnh phim tuyệt đẹp là một điểm cộng cho "Kong: Skull Island"

Kong: Skull Island là câu trả lời. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts với tham vọng sẽ tạo ra một vũ trụ điện ảnh cho những quái thú như Kong hay Godzilla đã làm một bộ phim về nguồn gốc của Kong, tạo tiền đề để nhân vật này sẽ có thể phát triển tiếp tục trong những bộ phim sau này.

Kong: Skull Island lấy bối cảnh vào năm 1973 – một dấu mốc đủ để Kong có thời gian tiếp tục “lớn” thêm cho những trận đánh sau này vào thời điểm hiện tại. Dấu mốc này cũng là cái cớ hợp lý để cho những nhân vật trong phim tạo ra một cuộc thám hiểm có vẻ như không tưởng đến Đảo đầu lâu, địa danh bí hiểm nhất trên bản đồ thế giới.

Với dàn diễn viên toàn những cái tên tuổi nổi tiếng của Hollywood như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson, John Goodman, John C. Reilly… thì đạo diễn trẻ Jordan Vogt-Roberts đã tạo ra được đủ các nhân vật với những câu chuyện và lí do khác nhau để đến hòn đảo này.

img

Nhân vật của Samuel L. Jackson được xây dựng khá tỉ mỉ nhưng chưa đào sâu được cảm xúc

Tuyến nhân vật trong Kong: Skull Island khá lớn. Từ đại tá không quân Mỹ đang mất hết ý nghĩa cuộc sống vì thua cuộc trong trận chiến ở Việt Nam (Samuel L. Jackson), một đại úy đặc nhiệm Anh đã giải ngũ trở thành lính đánh thuê vì tiền bạc (Tom Hiddleston), một phóng viên chiến trường (Brie Larson), một nhà khoa học điên (John Goodman)…Tất cả đã tập hợp thành một đội thám hiểm để đến với Skull Island.

Tuy nhiên, chính vì việc xây dựng nhiều nhân vật như vậy đã dẫn đến một điều tất yếu là câu chuyện và vai trò của từng nhân vật trong phim không được khắc họa một cách sâu sắc hơn. Dù mỗi người đều nắm chắc một mắt xích gắn kết cho nội dung phim nhưng khán giả vẫn cảm thấy có gì đó chưa đã.

img

Tom Hiddleston và Brie Larson khá nhạt nhòa trong phim

Nhân vật của Smuel L. Jackson được xây dựng khá hay và đầy đủ nguyên liệu để tạo chiều sâu cảm xúc hơn nhưng vì không đủ đất diễn nên chỉ dừng lại đó. Trong khi đó, vai trò của Tom Hiddleston và Brie Larson trong phim khá nhạt nhòa. Đặc biệt là với Brie Larson, vì không còn giữ câu chuyện tình yêu giữa người đẹp và Kong nên nhân vật của cô đã không có vai trò gì đáng kể.

Khác với những phần King Kong đã ra mắt trước đó, Kong: Skull Island tạo cho khán giả cảm giác khám phá nhiều hơn là một bộ phim hành động. Vẫn là Kong nhưng ở một hòn đảo xa lạ với đủ loại sinh vật xa lạ khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, xen lẫn là sự hồi hộp, hưng phấn và tò mò.

Những sinh vật nguy hiểm trên đảo Đầu lâu có thể khiến người xem giật mình thon thót và từng cái chết của những nhân vật trên phim đủ thấy hòn đảo này nguy hiểm đến mức độ nào.

Chính vì vậy, dù Kong: Skull Island tạo ra một chút khuyết thiếu về mặt nhân vật và dàn diễn viên thì phim vẫn tạo ra được một không khí lôi cuốn hấp dẫn, đậm tính giải trí đủ cho khán giả theo dõi không dứt trong suốt 120 phút của bộ phim.

img

Những sinh vật kỳ bí trên đảo Đầu lâu thu hút khán giả

Nhân vật chính của phim Kong là một trong những phiên bản lớn nhất trên màn ảnh, cao đến 30 mét. Với ý đồ này của đạo diễn đã cho thấy, con người không đóng một vai trò gì ngoại trừ là những người kể chuyện trong bộ phim này.

Kong: Skull Island hoàn toàn là một cuộc chiến giữa những sinh vật khổng lồ trên hòn đảo kỳ bí chứ không còn giữ mối quan hệ giữa con người và quái thú như những phiên bản trước đây.

Một điểm cộng cho cá nhân đạo diễn Jordan Vogt-Roberts là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Từ việc sắp xếp một nhân vật đi lạc trên hòn đảo và trở thành người dẫn đường cho đến việc đặt bối cảnh phim vào mốc thời gian khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc.

Cột mốc đó đã thúc đấy thượng nghị sĩ Mỹ cho phép hai nhà khoa học thuộc thuộc tổ chức Monarch đến hòn đảo này thám hiểm không phải vì mục đích khoa học mà chỉ đơn giản sợ bị Liên Xô “nẫng tay trên”.

Mốc thời gian này cũng là nguyên nhân để đại tá Preston Packard (Samuel L. Jackson thủ vai) gần như phát điên vì ám ảnh phải tiêu diệt kẻ thù và tăng thêm mức độ kịch tính cho bộ phim.

img

Kong được xây dựng khá khổng lồ

Những cuộc chiến của Kong với các loài sinh vật khổng lồ trên phim hay cuộc chiến sinh tồn của đoàn thám hiểm trên hòn đảo kỳ quái này cũng cực kỳ mãn nhãn. Phim không thiếu những cảnh tượng hãi hùng khiến khán giả giật mình và cũng không thiếu những cảnh hoành tráng đã tay đã mắt.

Riêng với khán giả Việt Nam sẽ thấy Kong: Skull Island hiện lên hoành tráng ngay trên những danh thắng của quê nhà. Từ vịnh Hạ Long mờ ảo trong ánh nắng ban mai cho đến cuộc chiến gay cấn tại thung lũng Tú Làn – Quảng Bình (quê hương của ca sĩ Hồ Ngọc Hà).

img

Những danh thắng của Việt Nam vừa quen vừa lạ

Cách quay và dựng trong bộ phim thực sự đã biến những bối cảnh tại Việt Nam trở thành những cảnh như không thuộc về trái đất. Ninh Bình, Quảng Bình hay vịnh Hạ Long trở nên vừa lạ lẫm và hùng vĩ trên màn ảnh.

Xem Kong: Skull Island mới thấy những gì đạo diễn Jordan Vogt-Roberts nói về Quảng Bình không phải chỉ là một lời khen khách sáo. Thung lũng và hệ thống hang động núi đá ở Tú Làn, Quảng Bình lên phim vừa là một địa điểm quen thuộc nhưng lại phù hợp với vua Khỉ một cách lạ lùng.

Trailer của bộ phim

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem