Đại diện Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch – đơn vị trực tiếp tổ chức đón và thực hiện hợp tác với hãng phim Legendary (Holywood) đã chia sẻ về những khó khăn khi hỗ trợ thực hiện bom tấn đầu tiên được quay tại Việt Nam có giá tới 190 triệu USD.
Ông Trần Nhất Hoàng – Phó Cục trưởng cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa đã có những chia sẻ thêm một số thông tin về việc Bộ VHTTDL khi hỗ trợ đoàn làm phim.
Vịnh Hạ Long của Việt nam xuất hiện ngay trên poster bộ phim
- Thưa ông, khi đoàn phim Kong: Skull Island muốn đến quay phim tại Việt nam, họ đã tác động thế nào để có thể xin phép?
Cục Hợp tác quốc tế chúng tôi có những mối quan hệ cộng tác lâu dài và hợp tác cho nhiều dự án với các đối tác nước ngoài là đại diện cho những hãng phim của Hollywood. Những chi nhánh của các công ty này được đặt ở rất nhiều nơi ở Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Singapore v.v… và công việc của họ là chuyên đi tìm địa điểm quay phim và cung cấp dịch vụ liên quan. Họ là người đầu tiên đặt vấn đề hợp tác với Cục chúng tôi.
Tiếp nhận dự án Kong, với chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi đương nhiên sẽ theo dõi và quản lý những hạng mục này. Tuy nhiên, sau khi thấy dự án có tầm vóc lớn, liên quan đến quá nhiều cơ quan hữu quan, chúng tôi đã trực tiếp vào cuộc cho toàn bộ quá trình thực hiện và trở thành đầu mối phía Việt Nam của Legendary
Chúng tôi đã ý thức được ngay đây là một cơ hội lớn để quảng bá Việt Nam trở thành một địa điểm quay phim của thế giới, Cục đã huy động một đội ngũ đủ để hợp tác với hãng.
Chúng tôi bắt tay vào công việc trong khoảng thời gian tương đối ngắn. May mắn là có sự ủng hộ của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan liên quan và đặc biệt là từ các địa phương, những việc khó khăn ban đầu là khảo sát địa điểm, tạo ra những khu rộng lớn làm trường quay, nhập thiết bị đạo cụ khoảng 300 tấn đi bằng chuyên cơ, hàng trăm con người đủ mọi quốc tịch rồi xuất cảnh nhập cảnh, an ninh đều được thực hiện trơn tru dù không ít khó khăn…. Quay phim bằng máy bay trực thăng, có những thiết bị nổ tại các di sản cũng đòi hỏi những cam kết phức tạp.
Cho đến khi những chuyến hàng đạo cụ cuối cùng xuất ra khỏi Việt Nam về Mỹ thì chúng tôi mới thở phào và coi như xong việc.
Đoàn phim đã mang hơn 300 tấn thiết bị cùng hàng trăm người tới Việt Nam
- Bộ phim này được quay ở những địa điểm di sản như Phong Nha hay Tú Làn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những cảnh hành động cháy nổ, vậy phía Việt Nam làm cách nào để kiểm soát điều này?
Một trong những thỏa thuận đầu tiên là tôn trọng mọi quy định về bảo tồn di sản. Các đối tác nước ngoài là những chuyên gia chuyên nghiệp, họ hiểu rất rõ và tuân thủ tốt nhất những quy định.
Những địa điểm đề xuất tại Quảng Bình ban đầu đã có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực. Hoặc ví dụ như ở Ninh Bình, thời điểm quay phim là vừa ra Tết năm 2015, đúng mùa lễ hội cũng cần đặt ra yêu cầu làm sao quay phim mà không ảnh hưởng đến khách hành hương mùa lễ hội.
Ông Xuân Trường tại Ninh Bình đã quyết định mở thêm một nhánh đường đi để khách hành hương không ảnh hưởng đến đoàn làm phim. Rồi các quy định về quả nổ đều do các chuyên gia của Bộ Quốc phòng thực hiện.
Toàn bộ công tác hiện trong phim đều có những người của các bộ ngành liên quan đi theo và giám sát cũng như hỗ trợ đoàn làm phim, chưa tính hàng trăm người tại các địa phương cũng hỗ trợ dự án này ngày đêm.
Những cảnh cháy nổ trong phim đều được Bộ Quốc phòng giám sát
- Phim Kong được lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1973 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang đi đến kết thúc, vậy làm sao để kiểm soát được phần kịch bản, để họ thực hiện một cách khách quan chính xác nhất những sự kiện lịch sử?
Thực ra bối cảnh thiên nhiên trong phim hoàn toàn là giả tưởng. Họ lấy bối cảnh quay phim tại Úc, Hawaii và Việt Nam, tất cả sẽ được hợp nhất khi làm hậu trường thành một địa điểm giả tưởng với những sinh vật giả tưởng.
Ngay cả những diễn viên quần chúng của Việt Nam cũng vào vai thổ dân trong một khu làng xa lạ, hoang sơ. Các nhân vật này được trang điểm, may trang phục theo thiết kế của họa sĩ của Hollywood, hoàn toàn là hư cấu.
Tại hiện trường họ giữ bí mật hình ảnh nghiêm ngặt, chỉ có chúng tôi và một số đoàn từ Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ mới có dịp được đi thăm quan, nhưng tuyệt đối không chụp ảnh.
- Vậy quá trình quay phim có xảy ra những điều gì còn mâu thuẫn hay khó khăn giữa hai bên?
Đối chọi hay mâu thuẫn thì không vì Hollywood đều là những con người rất chuyên nghiệp, tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên gần như không có những chuyện vi phạm hay xung đột gì cả. Ngay cả những vấn đề liên quan đến thời gian lịch trình họ đã thực hiện tương đối chính xác với kế hoạch. Có một vài khúc mắc nhỏ là khi các phóng viên Việt Nam đã cố tình xâm nhậm khu trường quay để chụp ảnh, tuy nhiên việc cũng không đáng kể.
Về phần chúng tôi, vì dự án lớn và mới mẻ nên là trong quá trình thực hiện luôn xuất hiện những thứ chúng ta không lường được. Nhưng cuối cùng, anh em cũng xoay sở xong và kết quả là đoàn làm phim rất hài lòng và không phát sinh những trục trặc nào lớn cho đoàn khi quay phim tại Việt Nam cả.
Đoàn làm phim đã phải mang cả máy bay trực thăng vào Việt Nam
- Cụ thể mình gặp khó khăn gì trong quá trình Kong quay tại Việt Nam, thưa ông?
Vất vả nhất là nhập thiết bị đạo cụ cho đoàn phim, quá nhiều và quá chi tiết, liên quan đến hầu hết các Bộ ngành từ an ninh, vận tải, y tế, thực phẩm, viễn thông. Họ mang đạo cụ là một cái xuồng để quay phim, ta hiểu đơn giản nó là một cái đạo cụ như cái bàn, cái ghế để quay phim.
Nhưng vấn đề là cái xuồng đạo cụ đó khi có gắn máy móc và có vận hành thì nó lại được nhận diện là một phương tiện giao thông và để nó có thể vận hành cần sự cấp phép của Bộ giao thông vận tải.
Từ những chai nước vứt trong công ten nơ trông rất đơn giản, nhưng nó cũng không thể thay thế vì nó vừa được quay tại Úc, cơ quan Hải quan đã từng nhắc đến yêu cầu về kiểm dịch v.v... Họ cũng nhập vào hàng trăm bộ đàm để quay phim, mà không thuê ở Việt Nam, vì số lượng lớn cũng như thiết bị có những đặc tính chuyên dụng, cuối cùng thì phải xin phép của Bộ thông tin truyền thông để để xác nhận kênh sóng.
Ngay cả máy bay trực thăng, máy nổ, nồi niêu phục vụ nấu ăn, đều là đồ đã qua sử dụng v.v… và được mang từ nước ngoài vào. Những mô hình lớn như cái xe tải cũng qua đường biển vào Việt Nam.
Quy trình tạm nhập tái xuất đem đến những khó khăn cho lúc xuất ra vất vả giống như lúc nhập vào, phải kiểm từng cục pin, cái máy.
Do vậy, phải nói thành công của dự án là nhờ sự hỗ trợ, hợp tác thiện chí của tất cả các bên trong và cả những đối tác ngoài nước, của từng cá nhân theo dự án từ những ngày đầu, của những chuyên gia có kinh nghiệm.
Bởi vậy, ngày công chiếu bộ phim, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức 1 buổi chiếu đặc biệt như để tri ân sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của rất nhiều Bộ ngành Trung ương, các địa phương và các cá nhân tâm huyết với dự án.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.