Trao đổi về vấn đề này, luật sư Tạ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Niềm tin Công lý (thuộc đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận công dân Việt Nam có thể có thêm quốc tịch nước ngoài (2 quốc tịch).
Luật sư Tạ Ngọc Sơn viện dẫn: Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người mang quốc tịch Việt Nam là người Việt Nam. Tại khoản 1 điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, mọi hành vi vi phạm pháp luật tại Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật. Trường hợp một cá nhân mang hai quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch nước ngoài thì người đó vẫn là người Việt Nam và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Điều 5 quy định về Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
HĐXX chưa công nhận quốc tịch nước ngoài của Vũ "nhôm".
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, đối với trường hợp Phan Văn Anh Vũ, nếu đúng theo như khai báo thì ngoài quốc tịch Việt Nam, ông Vũ có thêm quốc tịch của Antigua và Barbuda. Ông Vũ thuộc trường hợp bị điều chỉnh bởi Điều 5 nêu trên. Ông Vũ có 2 quốc tịch nhưng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam.
Vì vậy, Phan Văn Anh Vũ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn bị xử lý theo quy định như người có một quốc tịch Việt Nam.
Quốc tịch nước ngoài không ảnh hưởng gì đến quá trình xét xử. Ông Vũ cũng không thuộc diện được hưởng bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Quốc tịch nước ngoài cũng không phải là căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ đối với những tội danh Vũ đang bị xét xử.
Trước đó, tại đầu phiên xét xử phúc thẩm ngày 27/5, khi HĐXX đọc lý lịch của ông Vũ là quốc tịch Việt Nam, bị cáo Vũ xin bổ sung có 2 quốc tịch, ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch nước ngoài là Antigua và Barbuda. Trong phiên xét xử sơ thẩm, Vũ cũng khai mình mang hai quốc tịch. Sau khi xem xét, HĐXX đã không chấp nhận văn bản chứng minh quốc tịch nước ngoài của Vũ do đây là tài liệu photo (không phải bản chính), bằng tiếng nước ngoài, chưa được dịch và công chứng hợp pháp sang tiếng Việt.
Trong trường hợp Vũ "nhôm" mang hai quốc tịch thì vẫn có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam.
Luật sư của ông Vũ cho biết, ông nhập quốc tịch và chính thức trở thành công dân Antigua và Barbuda từ năm 2017. Tuy nhiên, giấy tờ liên quan đến việc chứng minh quốc tịch của bị cáo Vũ bị thất lạc nên luật sư đang tìm cách hỗ trợ để chứng minh bị cáo Vũ có quốc tịch thứ 2 ngoài quốc tịch Việt Nam.
Vũ “nhôm” bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. HĐXX sơ thẩm xác định Phan Văn Anh Vũ đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng tiền gốc, gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi.
Gia đình Vũ “nhôm” đã nộp toàn bộ số tiền 203 tỷ đồng bị cáo buộc đã chiếm đoạt của DAB. HĐXX tuyên Phan Văn Anh Vũ 17 năm tù tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tổng hợp hình phạt trước đó do Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã tuyên Vũ 8 năm tù, Vũ phải chịu hình phạt 25 năm tù.
Vũ "nhôm" kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.