Quy định 3 hình thức xác lập tình trạng ly thân

Thứ sáu, ngày 03/01/2014 06:37 AM (GMT+7)
Ngày 2.1, Bộ Tư pháp cho biết đang chỉnh lý hoàn thiện Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Bình luận 0
Trong đó sẽ có những quy định mới đáng chú ý. Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp: Tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XII, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung.

Về chế định ly thân, dự thảo luật đã quy định theo hướng độc lập với chế định ly hôn (không phải là một thủ tục tiền ly hôn). Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 không quy định về ly thân nhưng trên thực tế nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn giải pháp ly thân (ly thân thực tế) để giải quyết mâu thuẫn. Luật quy định về ly thân (ly thân pháp lý) nhằm tăng khả năng lựa chọn cách xử sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ.

Trường hợp chọn giải pháp ly thân pháp lý thì thủ tục, trình tự được thực hiện theo quy định của luật; nếu hai bên tự nguyện việc ly thân sẽ được công chứng, chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý. Trường hợp chọn ly thân thực tế thì không cần thiết thực hiện theo thủ tục, trình tự của luật, vợ chồng có thể "lẳng lặng" thỏa thuận và thực hiện.

Bộ Tư pháp cho rằng ly thân là vấn đề riêng tư, nhiều gia đình không muốn công khai tình trạng hôn nhân nên dự thảo luật sửa đổi theo hướng quy định mềm dẻo với 3 hình thức xác lập tình trạng ly thân để cặp vợ chồng quyết định lựa chọn: Vợ chồng tự thỏa thuận, không cần công chứng; thỏa thuận ly thân được lập thành văn bản và có công chứng; vợ chồng yêu cầu tòa án giải quyết ly thân. Khái niệm "ly thân" được điều chỉnh "là tình trạng hôn nhân mà vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc được tòa án công nhận quyết định theo yêu cầu của vợ chồng".

Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề hôn nhân đồng giới, Bộ Tư pháp cho rằng: Hiện nay nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị. Tuy nhiên Nhà nước cũng cần tỏ rõ thái độ về vấn đề này trong giai đoạn hiện nay là "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem