Quy định pháp lý vụ nhân viên ngân hàng lừa đảo 900 triệu đồng nướng vào tiền ảo

Phi Long Thứ tư, ngày 17/07/2024 20:16 PM (GMT+7)
Được khách làm nhờ làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, Trần Thanh Hải (29 tuổi), nhân viên một ngân hàng chi nhánh tại Đà Nẵng đã "phù phép" chuyển 900 triệu đồng sang tài khoản của mình để mua tiền ảo. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.
Bình luận 0

Ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thanh Hải (29 tuổi, ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước khi bị bắt giữ, Hải là nhân viên tín dụng của chi nhánh ngân hàng tại Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Quy định pháp lý vụ nhân viên ngân hàng lừa đảo 900 triệu đồng nướng vào tiền ảo- Ảnh 1.

Điều tra viên làm việc với Trần Thanh Hải. Ảnh: CA

Trước đó, bà Ngô Thị Kim P. (43 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu) tố giác đến cơ quan chức năng về việc bị Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay thế chấp tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng xác định, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, bà P. nhờ Hải làm thủ tục đáo hạn cho khoản vay thế chấp tại ngân hàng mà Hải đang làm việc. Do số tiền quá lớn nên bà P. không đủ khả năng thực hiện đáo hạn.

Hải giới thiệu bà P. gặp bà Mai Phương L. (ngụ Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) để vay mượn 900 triệu đồng. Bà P. và bà L. thống nhất đến ngày 19/3/2024, số tiền giải ngân sẽ được chuyển đến một tài khoản do bà P. thông báo.

Bà L. và bà P. làm giấy cam kết, có sự chứng kiến của Hải. Đến hẹn, bà P. chưa được giải ngân, đáo hạn nên đến chi nhánh ngân hàng tìm hiểu thì được biết, 900 triệu đồng đã được giải ngân, chuyển đến một số tài khoản khác vào ngày 19/3/2024, không phải tài khoản do bà P. đưa ra. Bà P. nhiều lần liên lạc với Hải nhưng không được.

Sau khi được sự thống nhất giữa bà P. và bà L., Hải cho bà P ký vào 2 tờ giấy chuyển khoản đến số tài khoản khác với số tài khoản mà bà P. và bà L. thống nhất giao dịch.

Tại thời điểm này, bà P. có ký nhưng không kiểm tra nội dung. Tài khoản khác này là Hải nhờ người quen đứng tên. Sau khi được giải ngân, Hải nhờ chủ tài khoản chuyển 900 triệu đồng đến tài khoản của Hải.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Hải dùng để trả nợ tiền vay nóng ngoài xã hội, trả tiền thẻ tín dụng và đầu tư, mua tiền ảo ở trên mạng internet.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định là có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản: Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. 

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuỳ từng mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng cho tới mức hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem