Quy định trẻ 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự có phù hợp không?

Phi Long Thứ ba, ngày 18/06/2024 08:17 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Mới đây, ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận về độ tuổi trẻ vị thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng: "Tôi không hiểu vì sao lại là 14 tuổi, mà không phải 12. Cơ sở để lấy độ tuổi này là tâm lý hay sinh lý, tôi thấy chưa được rõ lắm…".

Một số ĐBQH đã đặt ra vấn đề về độ tuổi của trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự sao không phải là 12 mà lại là 14?

Quy định trẻ 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự có phù hợp không?- Ảnh 1.

Quy định trẻ 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự có phù hợp không? Ảnh: CAND

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích: Căn cứ quy định Bộ luật Hình sự hiện hành, độ tuổi phải chịu hình sự thấp nhất là 14 tuổi theo Điều 12 Bộ luật Hình sự: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 Điều của Bộ luật Hình sự (mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm tù đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình).

Theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, quan điểm cho rằng cần quy định tuổi thấp nhất chịu trách nhiệm hình sự là 12 tuổi là không phù hợp. Không phủ nhận kể từ thời điểm thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 xã hội ngày càng phát triển, sự phát triển của trẻ em cũng nhanh hơn. 

Mặt khác, tội phạm ngày càng trẻ hóa, số lượng phạm tội cũng tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 hành vi vi phạm pháp luật do người chưa đến tuổi thành niên gây ra, trong đó có tới 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; 5,2% đối với người dưới 14 tuổi.

Ở độ tuổi 12, trẻ em tiếp xúc chủ yếu với gia đình, bạn bè, trường học, còn đối với môi trường bên ngoài ở không gian rất hạn chế. Do đó, quá trình trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm cho bản thân còn quá ít và còn tùy vào địa lý, môi trường và điều kiện, hoàn cảnh sống mà khả năng nhận thức, tiếp nhận vấn đề, tư duy của mỗi đứa trẻ được phát triển khác nhau.

Chúng ta cần cảm thông, quan tâm chỉ dạy những điều đúng lẽ phải, giáo dục ý thức tuân theo pháp luật và quy tắc của cuộc sống cho trẻ hơn là trừng phạt. Điều này không chỉ phù hợp Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà Nước.

Mặc dù hiện nay Pháp luật Việt Nam chưa có quy định xử lý hình sự đối với người 12 tuổi nhưng vẫn có chế tài xử lý hành chính phù hợp đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi như:

Biện pháp giáo dục tại Xã, Phường, Thị Trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự (Khoản 1 Điều 90 Luật Xử phạt vi phạm hành chính)

Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự. (Khoản 1 Điều 92 Luật Xử phạt vi phạm hành chính)

Giáo dục dựa vào cộng đồng thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 đến dưới 12 tuổi nếu thỏa mãn một số điều kiện được quy định tại Điều 140a Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Vì vậy, luật sư Hoàng Anh Sơn cho rằng pháp luật hiện nay quy định 14 tuổi là tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự hoàn toàn phù hợp, không thể phụ thuộc vào việc nhìn nhận tổng phát phát triển nhanh của trẻ em mà giảm độ tuổi xuống mà phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, những ảnh hưởng, hệ quả mang lại cho trẻ, cần phải đánh giá kỹ lưỡng tổng quan từ các cơ quan liên ngành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem