Chủ xe cho bạn đã uống rượu, bia mượn xe gây tai nạn cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Phi Long Thứ sáu, ngày 23/02/2024 10:31 AM (GMT+7)
Nhiều bạn đọc thắc mắc về việc cho bạn đã uống rượu bia mượn xe gây tai nạn giao thông sẽ bị xử lý như thế nào. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

Ngày 21/2, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lương Sơn-Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến (23 tuổi, trú tại xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn - Hòa Bình) để điều tra về hành vi "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ."

Chủ xe cho bạn đã uống rượu, bia mượn xe gây tai nạn cũng phải chịu trách nhiệm hình sự- Ảnh 1.

Bùi Văn Tuyến tại cơ quan Công an. Ảnh: VOV

Căn cứ vào kết quả điều tra, tối 3/2, Bùi Văn Tuyến uống rượu cùng anh B.C.T. (21 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) và hai người khác.

Đến 21h45 cùng ngày, anh B.C.T. mượn xe máy mang biển số 28G1-350.XX của Tuyến để đi đón bạn gái.

Khi đến Km 450+600 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn), xe máy do anh B.C.T. điều khiển xảy ra va chạm với xe máy 29E1- 647.XX do anh N.V.H. (23 tuổi, trú tại Lương Sơn - Hòa Bình) điều khiển.

Hậu quả, anh T. và anh H. tử vong.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), nồng độ cồn trong máu của anh B.C.T. là 90mg/100ml máu.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác định Bùi Văn Tuyến là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi vi phạm của mình.

Tuyến biết rõ B.C.T. đã sử dụng rượu, bia, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao chìa khóa xe máy cho anh T. đi và dẫn đến tai nạn giao thông.

Ngày 21/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến, quy định tại khoản 2, Điều 264 Bộ luật Hình sự. Bị can Bùi Văn Tuyến bị cấm rời khỏi nơi cư trú./.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích vấn đề pháp lý như sau:

Hành vi giao xe cho người mà biết rõ là người đó không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi trái pháp luật, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt như sau:

"Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng."

Theo đó, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể là:

- Người không có giấy phép lái xe;

- Người trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định;

- Người có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Để xác định hành vi giao xe cho người không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có phải là hành vi của tội phạm hay không phải căn cứ vào việc người đó có biết hoặc buộc phải biết người được giao phương tiện để tham gia giao thông không có đủ điều kiện điều kiện không. Nếu người nào giao cho người mà biết rõ người đó không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Khung hình phạt 1: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tùy theo mức độ phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng.

Tại Bộ luật hình sự năm 1985 chưa có quy định xử lý tội danh này, cho đến Bộ luật hình sự năm 1999 mới được quy định tại Điều 205. Đến 2015, Điều 205 BLHS năm 1999 được tách thành hai điều luật là Điều 263 và Điều 264 BLHS năm 2015, ứng với mỗi điều là mỗi hành vi "điều động" và "giao" và làm rõ hơn về tội danh này.

LS. Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 mức hình phạt có phần nhẹ hơn nhưng đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật nước ta như: quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về dấu hiệu hậu quả, các tình tiết định khung hình phạt được quy định cụ thể hơn, quy định thêm mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, bỏ hình thức phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem