Quy định trẻ dưới 36 tháng được theo bố vào trại giam, ĐBQH nói gì?

Lương Kết Thứ hai, ngày 19/11/2018 11:02 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc bổ sung quy định cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ cần phải hết sức cân nhắc.
Bình luận 0

img

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (ảnh quochoi.vn).

Sáng nay (19.11), Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi). Phát biểu góp ý đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đã đề cập tới đối tượng là trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ, bố ở trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Tại Khoản 3 Điều 50 của dự thảo Luật quy định chế độ ăn, mặc và cấp phát nhu yếu phẩm đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được thực hiện như sau:

Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được hưởng chế độ ăn như đối với bố, mẹ; ngày 1 tháng 6, tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 2 lần ngày thường; mỗi năm được cấp 2 khăn mặt, 2 kg xà phòng, 2 bộ quần áo bằng vải thường.

Còn tại Điều 54 quy định khi các em mắc bệnh thông thường thì có thể khám tại bệnh xá, tiền thuốc chữa bệnh cho trẻ em tương đương 4kg gạo/người/tháng.

“Cách tiếp cận này của dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chưa phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em. Theo tôi nhóm trẻ em này không phải là người chấp hành án, mặt khác đây là những trẻ em tuổi còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương, rất đặc biệt”, đại biểu Hiển nói.

Ông cho biết thêm, Luật trẻ em hiện nay chưa xếp các em này là diện hoàn cảnh đặc biệt, do vậy những trẻ em này cần được sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là đảm bảo theo đúng quy định của Luật trẻ em. “Theo tôi về chế độ ăn đối với nhóm trẻ em này không thể như người lớn cả về mặt định lượng, thành phần dinh dưỡng và loại thực phẩm cụ thể. Tương tự như vậy, chế độ mặc, nhu yếu phẩm thiết yếu cũng phải quy định phù hợp với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, không thể 2 bộ quần áo, 2 khăn mặt/năm”, đại biểu Hiển cho biết.

Vị đại biểu này nhấn mạnh thêm, việc khám chữa bệnh cũng phải theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, là trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến và khám chữa bệnh cấp cứu.

“Mặt khác theo quy định của Luật trẻ em thì các quyền cơ bản của trẻ em trong trường hợp này phải được quan tâm và quy định cụ thể. Chẳng hạn để bảo đảm quyền được trợ giúp để duy trì mối quan hệ và tiếp xúc của trẻ em với cha, me, gia đình như điều 22 của Luật trẻ em thì Luật thi hành án phải quy định rõ quyền của người cha, người mẹ khi đến thăm nuôi cũng như được ưu tiên về số lần và thời gian thăm nuôi nhiều hơn so với thông thường”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển góp ý.

img

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (ảnh quochoi.vn).

Cũng đề cập tới vấn đề liên quan tới trẻ em, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Bổ sung quy định con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, đây là quy định cần phải cân nhắc. Đối với Luật hiện hành cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ vào trại giam, khi đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải đưa về cho thân nhân hoặc đưa về bảo trợ xã hội để nuôi giữ.

Quy định con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ là quy định nhân đạo vì lợi ích, tâm sinh lý tốt nhất cho đưa trẻ, trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần chăm sốc của người mẹ, chẳng hạn cho con bú sữa mẹ.

Bộ Luật hình sự chỉ quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được tạm hoãn thi hành án; còn trong Luật hôn nhân và gia đình quy định, khi vợ chồng ly hôn về nguyên tắc người mẹ được nuôi con dưới 36 tháng tuổi. “Vì vậy tôi không tán thành với bổ sung quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc giải quyết vấn đề này theo nguyên tắc quyền bình đẳng giới giữa nam phạm nhân và nữ phạm nhân là phản cảm. Ở đây phải thấy vấn đề là quyền trẻ em, lợi ích của trẻ em, môi trường giam giữ chưa bao giờ làm môi trường thân thiện  đối với trẻ em”, đại biểu Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem