Quy định về tội danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị khởi tố
Quy định về tội danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị khởi tố
Q.Trung
Thứ ba, ngày 13/12/2022 18:51 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Tội danh ông Phong bị khởi tố được quy định thế nào?
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Ngày 12/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bảy bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị khởi tố điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015. Trước khi làm Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận, ông Phong từng giữ chức Giám đốc Sở Tài chính.
Ngoài ông Phong, 6 người khác cũng bị khởi tố điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Liên quan đến vụ án này, trước đó hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam. Trong đó có ông Nguyễn Ngọc Hai - cựu Chủ tịch UBND tỉnh và Lương Văn Hải - cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh…
Tội danh có khung hình phạt cao nhất 12 năm tù
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sai phạm của cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và những người liên quan là đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam là đúng quy định pháp luật.
Theo luật sư Khuyên, trong vụ việc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khung hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 12 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Còn mức thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Đây là tội phạm về chức vụ, chỉ những chủ thể có chức vụ, quyền hạn mới có thể phạm tội này.
Theo vị luật sư, hành vi khách quan của tội danh là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Cụ thể, hành vi phải gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng của tội này là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Người phạm tội thực hiện với lỗi vô ý. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Từ bình luận trên, luật sư Khuyên cho rằng, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đấu giá lô đất số 18, 19, 20 với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2). Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thông báo công khai 6 đợt nhưng không có khách đăng ký tham gia.
Đầu năm 2017, Công ty Tân Việt Phát xin chủ trương cho phép được giao khu đất này không thông qua hình thức đấu giá và đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận.
Nhà chức trách cho rằng việc giao, cho thuê đất được áp dụng theo giá khởi điểm từ năm 2013 thay vì năm 2017. Trong đó, lô số 18 cho thuê dưới hình thức trả tiền một lần, dùng vào mục đích thương mại dịch vụ; lô 19 và 20 có thu tiền sử dụng đất, dùng vào mục đích đất ở kết hợp thương mại dịch vụ.
Việc tỉnh Bình Thuận giao đất cho Công ty Tân Việt Phát không đúng quy định từng bị tố cáo trước khi vụ án được C01 điều tra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.