Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể

Thứ hai, ngày 04/01/2016 16:17 PM (GMT+7)
Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5 kg/m2, tỷ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt, như bệnh sữa, đỏ thân, hoại tử.
Bình luận 0

Chọn địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi đảm bảo chủ động được nguồn nước biển để nuôi nuôi tôm hùm bông phải có độ mặn ổn định quanh năm 30 - 35‰, nước không bị nhiễm bẩn chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu hay hoá chất độc hại khác, các chỉ tiêu thuỷ hóa phù hợp điều kiện sống của tôm hùm bông (độ cứng < 5, pH 7 - 8; NH3-  < 0,01 mg/lít; NO2-  < 0,05 mg/lít; Fe2+ khoảng 0,1 mg/lít; nhiệt độ < 310C).

Vị trí xây dựng trại nuôi tôm hùm thuận lợi về giao thông, thuận lợi trong trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu, tốt nhất nên xây dựng trại nuôi tôm hùm ở nơi sử dụng điện lưới quốc gia, gần vùng có nguồn tôm giống phong phú, để dễ khai thác và vận chuyển về cơ sở nuôi.

Xây trại nuôi tôm hùm nơi có cấu tạo địa chất ổn định, không bị lún, sạt lở, địa hình bằng phẳng để thuận tiện khi cấp và tiêu nước, bơm nước biển dễ dàng.

Thiết kế, vận hành hệ thống

Bể nuôi tôm hùm có diện tích đáy 100 m2. Bể nuôi có dạng hình tròn đường kính 5,7 m, sâu 1,6 m hoặc dạng hình vuông có mỗi cạnh 10 m; mặt đáy nghiêng 5% về phía lỗ thoát nước, ống thoát nước có kích thước 114 mm nằm giữa bể.

Trong hệ thống nuôi tôm hùm thiết kế bể lọc sinh học tuần hoàn và bể ly tâm. Bể lọc sinh học tuần hoàn có 4 ngăn dạng hình chữ nhật, kích thước ngăn thứ nhất: 1,5m x 5 m x 1,6 m; 3 ngăn còn lại có kích thước 1,5 m x 5 m x 0,8 m. Bể ly tâm có đường kính 2 m; cao 1,6 m.

Bể chứa nước đã lọc qua hệ thống lọc sinh học tuần hoàn có thể tích từ 4 đến 30 m3.

Bơm trực tiếp nước biển có độ mặn 30 - 35‰ vào bể chứa nước ngoài trời. Xử lý diệt khuẩn mầm bệnh có thể có trong nước biển bằng Chlorine, nồng độ 30 - 40 ppm. Sục khí mạnh liên tục 48 - 72 giờ. Tắt sục khí và kiểm tra nồng độ Cl-  dư thừa, dùng thiosunphat để trung hoà Cl-  trong trường hợp dư Cl-.

Bơm nước đã xử lý vào hệ thống bể nuôi tôm hùm (bể nuôi, bể chứa và bể lọc sinh học) ở trong nhà, mức nước cấp 1,4 m.

Vận hành 2 máy bơm nước được lắp đặt ở bể chứa nước đã qua bể lọc tuần hoàn. Do chênh lệch thế năng, nước tự chảy từ bể nuôi tôm hùm về bể ly tâm để tham gia chu kỳ tuần hoàn nước.

img

Sau 18 - 20 tháng, tôm đạt khối lượng 0,7 - 1,3 kg/ con

Chọn giống và mật độ thả tôm

Chọn mua tôm giống nơi gần nhất với trại nuôi và thả tôm hùm giống có cùng ngày tuổi (cùng giai đoạn phát triển).

Vận chuyển tôm hùm giống từ nơi mua về cở sở nuôi bằng phương pháp vận chuyển hở có sục khí, sử dụng thùng xốp kích thước 0,4 m x 0,4 m x 0,6 m để vận chuyển, mật độ khoảng 500 con/thùng.

Mật độ tôm giống thả nuôi 10 con/m2.

Thức ăn và cách cho ăn

Dùng thức ăn công nghiệp (thức ăn viên) là lựa chọn tối ưu để nuôi tôm hùm trong hệ thống bể; tuy nhiên hiện nay trên thị trường chưa có thức ăn viên nên phải sử dụng cá tạp để nuôi tôm hùm. Cá tạp bao gồm cá liệt, ghẹ và sò. Chọn cá tươi; sau đó sơ chế: Rửa sạch cá bằng nước mặn rồi cắt cá theo chiều ngang thân, kích thước lát cắt 1 - 2 cm. Làm sạch cá đã cắt bằng nước ngọt nhiều lần; sau đó cấp đông để cho ăn trong nhiều ngày.

Tách vỏ ghẹ, cắt bỏ phần phần mang (cơ quan hô hấp) và phần bụng, cắt ghẹ làm 2 hoặc 4 phần; sau đó rửa sạch ghẹ bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông để cho tôm ăn trong nhiều ngày. Loại bỏ vỏ sò và xoang màng áo; sau đó rửa sạch thịt sò bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông cho tôm hùm ăn.

Đối với tôm hùm còn ở giai đoạn con giống, thức ăn phải được sơ chế bằng cách chỉ lấy phần thịt của cá, ghẹ, sò đem cắt nhỏ; sau đó rửa sạch bằng nước ngọt rồi cấp đông cho tôm hùm giống ăn nhiều lần.

Cho tôm ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn trong 2 tháng đầu từ 20 đến 30% trọng lượng thân. Những tháng nuôi sau giảm còn 15 - 20% trọng lượng thân. Sau khi cho ăn 1 - 2 giờ thì vớt thức ăn thừa, nếu còn.

Quản lý và chăm sóc

Hằng ngày đo các yếu tố môi trường (nhiệt độ nước, pH, O­2 hoà tan, NH3, NO2 và NO3, H2S).

Định kỳ 15 - 30 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 50 - 70% nước cũ và bổ sung nước mới; 60 - 90 ngày thay 100% nước cũ, vệ sinh đáy bể nuôi và bổ sung nước mới.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi qua việc quan sát tôm sử dụng thức ăn, để xử lý kịp thời.

Thời gian nuôi và thu hoạch

Giống như nuôi tôm hùm ngoài biển, thời gian nuôi tôm hùm trong bể 18 - 20 tháng, tôm đạt khối lượng 0,7 - 1,3 kg/con thì thu hoạch; có thể thu những con lớn trước nhỏ sau hoặc thu toàn bộ.

Trương Hữu Văn (Thủy sản Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem