Sáng nay, 13.7, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Tại phiên họp ngày 15.7 tới đây, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu lại tố cáo sẽ có báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về việc bầu các đại biểu Quốc hội và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử. Sau đó Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết, trường hợp nào đủ tư cách đại biểu thì công nhận, không đủ tư cách thì không công nhận.
Trả lời câu hỏi của Dân Việt là với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh - người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng vừa bị Ủy ban Kiểm tra TƯ kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách đại biểu – Hội đồng sẽ thực hiện quy trình xem xét ra sao, ông Thông cho biết: Khi xem xét 496 người trúng cử Đại biểu Quốc hội thì có cả trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh. Nếu Hội đồng xét thấy ông này không đủ tư cách thì đương nhiên sẽ không công nhận.
Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe tư nhân gắn biển số xanh (Ảnh Internet)
Trước đó, trả lời phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư giao cho 9 cơ quan vào cuộc xác minh. Sau khi các cơ quan chức năng xác minh và kết luận, căn cứ vào kết quả thẩm tra, các cơ quan sẽ chuyển hồ sơ sang Ban Công tác đại biểu. Kết quả được làm rõ vi phạm của ông Thanh đến mức nào thì xử lý đến mức đó.
Tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV diễn ra vào tháng 5.2016, ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh được 198.392 phiếu trúng cử, với tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ. Sau khi trúng cử ông Thanh bị phát hiện có hành vi sai phạm là đi xe tư nhưng lắp biển số xanh.
Vào chiều 11.7, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã ra kết luận liên quan đến các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức TƯ Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng yêu cầu Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Hội đồng bầu cử quốc gia có 21 thành viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân cùng là Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.