Quyền lực và tình yêu của nữ tướng trong băng đảng Yakuza

Thứ sáu, ngày 12/10/2018 16:45 PM (GMT+7)
Nhiều phụ nữ từng nắm giữ quyền lực tối cao trong các băng đảng Yakuza của Nhật trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, vì sao một cô gái lại chấp nhận mối quan hệ với phần tử tội phạm?
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa: AsianWiki

Lịch sử Nhật Bản ghi nhận một số phụ nữ có sự ảnh hưởng quyền lực trong giới tội phạm. Từ thời phong kiến Edo, đánh bài là hoạt động nền tảng của những người sáng lập Yakuza về sau. Khi đó, phụ nữ đánh bài không phải là chuyện hiếm, một số người thậm chí lãnh đạo cả một nhóm bài bạc chuyên nghiệp. Những tài liệu trước và sau giai đoạn Thế chiến 2 cũng ghi nhận vai trò của nữ chủ các băng đảng cai trị một số vùng tại Yokohama và Tokyo.

Những nữ thủ lĩnh quyền lực

Sau khi phát xít Nhật đầu hàng năm 1945 và Thế chiến 2 kết thúc, băng đảng Kanto Matsuda-gumi thống trị vùng Shinbashi ở trung tâm Toyo. Ông trùm của băng đảng, Giichi Matsuda, nổi tiếng là một người ưa sử dụng bạo lực và có rất nhiều kẻ thù. Sau khi ông Matsuda bị ám sát, người vợ Yoshihiko lên nắm vai trò lãnh đạo "hàng trăm thành viên và kiểm soát hơn 2.000 tên xã hội đen".

Duy trì chính sách của chồng, bà Yoshiko tiếp tục kiểm soát Tokyo với chính sách "bàn tay thép", phát động cuộc chiến với những băng đảng người Đài Loan để giành quyền kiểm soát thị trường chợ đen ở trung tâm thủ đô Nhật Bản. Bà qua đời năm 1956. Ngày nay, các nhà sử học đánh giá Yoshiko là một trong những nữ thủ lĩnh Yakuza quyền lực nhất, chủ yếu vì chính sách cai trị bằng bạo lực. Trong một thế giới mà vai trò người phụ nữ bị xem nhẹ, những nữ thủ lĩnh như bà Yoshiko đã chứng tỏ sự sắt thép, cứng rắn không kém những ông trùm.

Hiện nay, băng Yakuza đông đảo nhất Nhật Bản là Yamaguchi-gumi. Thống kê của cảnh sát quốc gia cho biết thành viên của nhóm hơn 39.000 người. Điều gây chú ý là một người phụ nữ từng nắm vai trò thủ lĩnh của Yamaguchi-gumi, dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Chuyện xảy ra sau khi ông Kazuo Taoka, thủ lĩnh đời thứ 3 của nhóm qua đời vào giữa năm 1981 vì bệnh tim. Người được chỉ định kế nhiệm ông Taoka, Kenichi Yamamoto, lại đang thụ án trong tù. Do vậy, vợ của ông Taoka, bà Fumiko khi đó 62 tuổi, trở thành thủ lĩnh tạm thời của băng đảng cho đến khi các thành viên cấp cao nhất trí bầu thủ lĩnh mới vào năm 1984.

Trước khi trở thành thủ lĩnh, bà Fumiko đã giữ vai trò không chính thức như một cố vấn tin cậy của ông Kazuo. Bà thường đưa ra lời khuyên cho chồng trong phần lớn vấn đề quan trọng, như khi ông Kazuo trở thành người kế nhiệm của thủ lĩnh đời thứ 2. Trong đời các thủ lĩnh kế tiếp, bà Fumiko vẫn duy trì sự ảnh hưởng từ sau bức rèm, tham gia vào những cuộc bàn luận quan trọng.

img

Nhiều phụ nữ nắm giữ quyền lực trong giới Yakuza giai đoạn đầu thế kỉ 20. Ảnh minh họa: Nihonghgogo

Thời thế thay đổi khiến cấu trúc Yakuza cũng biến chuyển theo. Các nghiên cứu hiện nay cho biết số lượng nhân vật nữ quyền lực trong thế giới ngầm ở Nhật Bản đã giảm dần, đàn ông chiếm tỷ lệ áp đảo. Một cảnh sát tại Tokyo có thâm niên hơn 40 năm trong ngành, tâm sự vào đầu năm 2014 trước khi về hưu rằng: "Ngày nay vô cùng hiếm phụ nữ lãnh đạo một băng đảng".

Tuy phụ nữ không còn tham gia vào các hoạt động của giới Yakuza, họ vẫn được các thành viên nam giới kính trọng. Người có ảnh hưởng nhất chính là vợ cả của ông trùm, được đàn em gọi là "đại tẩu". Tuy nhiên, vì sao một phụ nữ lại chấp nhận mối quan hệ với người đàn ông mà dân thường nào cũng sợ hãi và xa lánh?

Hẹn hò cùng Yakuza

Thông tin về quá trình kết hôn của các thành viên Yakuza vô cùng ít ỏi. Để viết nên quyển sách "Những người vợ của Yakuza", tác giả Shoko Ieda đã dành nhiều tháng theo đuổi phỏng vấn những người trong cuộc. Ieda ghi nhận rất nhiều câu trả lời giống nhau, đại ý rằng: "Tôi rất bất ngờ khi phát hiện người mình thương lại là thành viên Yakuza".

Một giáo sư chuyên ngành tội phạm học, thuộc Viện nghiên cứu khoa học cảnh sát Nhật Bản, phân tích: "Các cô gái thường xuyên đi chơi trong thành phố. Họ gặp gỡ những thanh niên trẻ vốn là thành viên các nhóm Yakuza. Cả hai đã có những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau. Những cô gái cũng có hoàn cảnh gia đình không mấy tốt đẹp, hoặc mâu thuẫn với bố, mẹ. Do vậy, khi gặp các chàng trai có trải nghiệm tương tự, các cô lập tức đồng cảm và muốn chia sẻ. Một số người sau này mới biết bạn trai tham gia Yakuza. Nhưng họ cho rằng đây không phải là điều xấu xa, mà có thể thầm nhủ 'Anh ấy cũng thú vị đấy chứ'".

Luật pháp không ngăn cấm các cô gái gặp gỡ và kết hôn với những người trong giới xã hội đen. Chính quyền càng không có lý do cản trở đôi nam nữ yêu nhau, do vậy chưa có nghiên cứu toàn diện tìm hiểu sâu những cặp đôi này đã cảm mến nhau như thế nào. Lời giải thích chỉ có thể xuất phát từ chính những người thân cận với thế giới Yakuza.

img

Shoko Tendo, con gái một ông trùm Yakuza, sau này cũng kết hôn cùng một thành viên xã hội đen. Ảnh: Tumblr

Một phụ nữ vốn là con của thủ lĩnh băng đảng Yakuza tỏ ra đồng cảm với số phận các cô gái kết hôn cùng thành viên trong nhóm. Theo cô, phần lớn người vợ có quá khứ hoặc thời tuổi trẻ đầy biến động. Họ không lớn lên trong một gia đình đầm ấm hay môi trường nề nếp.

Người phụ nữ chỉ ra hai con đường phổ biến nhất mà đàn em của bố cô đã gặp vợ tương lai. "Cánh đàn ông rất hay khoe khoang tiền của để gây ấn tượng với những nữ tiếp viên trong quán bar hoặc quán nhậu khuya. Thường chỉ những thành viên cấp cao mới có đủ tiền để phung phí và làm hoa mắt các cô gái".

Con đường thứ hai, theo người phụ nữ, thể hiện tính chất tình cảm gắn bó rõ rệt và sâu đậm hơn. "Cô gái và thành viên trong băng nhóm vốn đã biết nhau từ khi còn trẻ. Họ có thể cùng là thành viên trong những nhóm chuyên đua xe tốc độ. Sau khi trưởng thành hơn, các chàng trai quyết định gia nhập Yakuza".

Minh Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem