Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thanh Phương, sống tại Hà Nội, kể lại câu chuyện đặc biệt từng khiến nhiều người phải "sốc". Khi đó, vì lý do cá nhân nên ngay tháng đầu tiên của năm học lớp 8, con trai chị đã bị cho nghỉ học. Con trai chị đang từ học sinh giỏi tụt hạng xuống tiên tiến "vớt" nên chị quyết định không xin cho con học tiếp. Chị Phương cho rằng, con nghỉ học 1 năm cũng là điều tốt để căn chỉnh lại tinh thần, học bù kiến thức bị "rơi vãi".
Chị Phương kể: "Mình đã lên 2 phương án. Một là thuê gia sư dạy con ngày 3 buổi: Sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng, tối 1,5 tiếng, thứ 7, chủ nhật nghỉ học. Con học kín lịch để không có thời gian chơi bời nhưng phương án này xác định tốn rất nhiều công sức, tiền của.
Phương án 2 là cho con xa luôn sách vở, về quê làm nông dân tự trồng rau, chăn nuôi, học hành tính sau. Bạn nhà mình mới lớp 8 nhưng cao gần 1,7m và nặng tầm 90kg nên lao động tốt. Tất nhiên nếu thực hiện phương án này thì mình sẽ xin chuyển công tác về quê để theo sát con. Mình có mảnh đất 3.000m2 ở Sơn Tây, cách Hà Nội 40km, cạnh 1 hồ nước lớn rất đẹp và thuận lợi cho việc nuôi trồng.
Sau 1 ngày, mình ngồi nói chuyện nghiêm túc với con. Mình nghe con nói trước và giải thích cho con hiểu thực tế đang thế nào. Mình đưa ra trước phương án 2 và gợi ý đưa con lên Sơn Tây xem rồi quyết định. Con mình đã đồng ý nhưng lên đến nơi, con thấy mảnh đất heo hút, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách 500m thì hỏi "Chỗ này rộng quá, đi quanh khu đất mỏi hết cả chân, ở đây đi chợ thế nào hả mẹ?". Mình cười bảo: "Đã làm nông dân rồi thì tự trồng rau củ, tự nuôi heo gà mà ăn chứ chợ búa gì, sống ở đây đỡ tốn tiền".
Về nhà mình mới nói phương án 1 đó là ở nhà 1 năm học gia sư, hết năm xem ý thức và trình độ như nào rồi tính tiếp. Mọi sự mong chờ vào ý thức và sự cố gắng của con, nếu tiến bộ con sẽ lại đến trường học bình thường. Tất nhiên bạn ấy chọn phương án 1. Mình lập tức tuyển gia sư, lên kế hoạch các môn học, môn nào con yếu học nhiều, môn nào khá rồi chỉ rà soát lại kiến thức, tăng cường tự học Tiếng Anh. Nói chung 1 năm con ở nhà học kiểu homeschooling, nguyên tiền học đã "đốt" của mình 1 con xe Spacy (vẫn rẻ hơn phương án 2 phải mất xe KIA Morning).
Mình tuyển gia sư tinh nhuệ, trả lương cao, chỉ cần có biểu hiện thỏa hiệp với con, làm hộ bài con, khả năng truyền đạt kém làm con chán học là mình tìm người khác thay thế ngay. Tuyệt nhiên không nói đến quá khứ, chỉ cùng con bàn chuyện tương lai sẽ như thế nào. Con dần lấy lại được kiến thức bị hổng, ý thức học và tự học tốt dần lên.
Xong chuyện trong nhà, 2 mẹ con mình phải đối mặt với bạn bè, hàng xóm, họ hàng 2 bên nội ngoại. Mẹ vừa ly hôn, con nghỉ học ở nhà, tình cảnh mẹ con mình thê thảm. Cả họ hàng nội ngoại không ai tin con mình có thể đi học lại, ai cũng nghĩ "Thôi thằng này hỏng thật rồi, học hành gì nữa, 1 năm ở nhà kiểu gì cũng lêu lổng sinh hư"…
Mình nói với con: "Không ai cấm được suy nghĩ và phát ngôn của người khác, họ nói xong họ còn về lo việc nhà họ, không ai sống hộ mẹ con mình. Con đừng để tâm đến những ánh mắt khinh thường và lời nói của mọi người. Nếu chỉ vì người ta nói xấu, nghĩ xấu mà mình trở nên xấu thật mới chết. Nếu mình cố gắng sống tốt, những lời nói ánh mắt đó còn là động lực để mình cố gắng hơn nữa. Mẹ con mình phải tự tin lên".
Trong 1 năm con không đến trường, để con không cảm thấy cô đơn lạc lõng. Cuối tuần, lễ tết mình thường xuyên rủ bạn bè hay nhà ngoại đi chơi xa, tụ tập ăn uống hát hò. Trong họ có đám cưới, đám tang, đám giỗ, mình cho con đi bình thường. Người thì tội nghiệp, người thì bảo mình vô trách nhiệm, như thế mà 2 mẹ con "mặt cứ nhơn nhơn ra cười". Có người còn hỏi kháy kiểu: "Con hồi này học hành thế nào?". Mình dặn con từ lúc đầu cứ nói: "Dạ, cháu đang học ở nhà, sang năm cháu đi học lại". Bà bác cười ngất: "Con nhà mày vui tính thật đấy, sang năm đi học lại cơ đấy".
Ra Tết năm đó, mình bắt đầu khởi động việc tìm trường xin cho con học. Sau một hồi nghiên cứu các trường cấp 2 quanh nhà để thuận tiện cho con tự đạp xe đi học, mình "chấm" được 1 trường không ở trong top nào của Hà Nội. Mình cũng xác định không "nói chuyện riêng" với các thầy cô dạy trực tiếp, không cho đi học thêm với giáo viên trong trường để con tự bơi, tự cứu mình. Mình nói với con: "Đây là cơ hội đi học cuối cùng của con. Nếu ở đây con bị nghỉ học nữa mẹ hết cách rồi, con về làm chủ nhà vườn ở Sơn Tây cùng mẹ".
Hành trình 1 năm đồng hành cùng con của chị Phương cũng nhận được trái ngọt. Sau đó khi học hết cấp 2, con trai chị Phương lần lượt đỗ vào Trường THPT Thực nghiệm; khoa Điện tử viễn thông, hệ cao đẳng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và thi liên thông lên đại học. Đang học năm thứ 3, con trai chị quyết định ngã rẽ là sang Đức du học. Hiện tại, con trai chị đang rất hạnh phúc với cuộc sống và công việc tại đây.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Phương cho hay: "Trong thời gian 1 năm đồng hành cùng con này, khó khăn nhất là quản con về thời gian và tiền bạc làm sao cho con không cảm thấy bị bức bối khó chịu, chống đối lại. Con trai mình hiền lành, thật thà nhưng cục tính và ham chơi tuy nhiên quan điểm dạy con của mình là không ép con học bằng mọi giá, không gây áp lực để con cảm thấy vui vẻ trong mọi việc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.