Quyết định "khó đỡ" của Hitler khiến phát xít Đức bại trận

Vương Nam Thứ năm, ngày 10/11/2022 20:30 PM (GMT+7)
Phát xít Đức lẽ ra đã không phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mỹ nếu Hitler không có hành động sai lầm tai hại này.
Bình luận 0

Năm 1941, Hitler đã phạm phải 2 sai lầm khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Thứ nhất, ông ta ra lệnh cho quân đội Đức chủ động tấn công xâm lược Liên Xô. Ngày 22/6/1941, các lực lượng Đức tiến công vào lãnh thổ Liên Xô, bất chấp 2 nước có hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau trước đó.

Quyết định "khó đỡ" của Hitler khiến phát xít Đức bại trận - Ảnh 1.

Quân đồng minh được Mỹ hỗ trợ đổ bộ vào bờ biển Normandy, bắt đầu phản công lại phát xít Đức (ảnh: Daily Star)

Với kế hoạch tên Barbarossa, Hitler hy vọng sớm tiêu diệt được Liên Xô và xây dựng một “quê hương mới” cho người Đức ở phía đông. Tuy nhiên, phát xít Đức bị sa lầy rồi bị đánh tan ở Liên Xô trước sức mạnh của Hồng quân.

Theo Ian Kershaw – chuyên gia nghiên cứu lịch sử người Anh – khi hứng thất bại bước đầu ở Liên Xô, Hitler lẽ ra đã có thể cứu vãn cục diện Thế chiến II nếu không tiếp tục phạm sai lầm “chí mạng” thứ hai: Tuyên chiến với Mỹ.

Ngày 7/12/1941, căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Mỹ bị phát xít Nhật gây thiệt hại nặng nề. Trong lúc Washington nổi cơn thịnh nộ và tìm mục tiêu để trút giận, Đức lại chủ động tuyên chiến với Mỹ.

Quyết định "khó đỡ" của Hitler khiến phát xít Đức bại trận - Ảnh 2.

Sau trận Trân Châu Cảng, Đức vội vàng tuyên chiến với Mỹ (ảnh: Daily Star).

Theo nhà sử học Ian Kershaw, không có nguyên nhân nào khiến Đức phải hứng “đòn thù” từ Mỹ sau trận Trân Châu Cảng, trừ sự kiêu ngạo của Hitler. Theo hiệp ước ký kết giữa các nước phe Trục (bao gồm Đức, Nhật, Italia) thì Đức chỉ buộc phải viện trợ quân sự cho Nhật nếu nước này bị Mỹ tấn công.

“Sau trận Trân Châu Cảng, Đức gần như ngay lập tức tuyên chiến với Mỹ. Đó là một trong những quyết định kỳ lạ nhất trong Thế chiến II”, ông Kershaw nhận xét.

Trong khi Tổng thống Roosevelt cần tới 517 từ để tuyên chiến với phát xít Nhật, thì khi phát biểu trước quốc hội Đức, Hitler chỉ cần 334 từ để làm điều tương tự với Mỹ.

“Ông ta kích động chiến tranh, bóp méo những nguyên nhân và khoác lên mình chiếc áo choàng đạo đức giả đáng ghê tởm. Một cách từ từ nhưng chắc chắn, ông ta đẩy nhân loại đến chiến tranh”, Hitler cáo buộc Tổng thống Mỹ khi đó là Roosevelt.

Quyết định "khó đỡ" của Hitler khiến phát xít Đức bại trận - Ảnh 3.

Hitler tuyên bố khai chiến với Mỹ trước Quốc hội Đức (ảnh: Daily Star).

Ngày 11/12/1941, Joachim von Ribbentrop – Ngoại trưởng Đức Quốc xã – triệu Đại biện Ngoại giao Mỹ Leland B. Morris tới gặp và trao bản tuyên chiến.

“Chính phủ Đức ngừng các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và tuyên bố rằng kể từ thời điểm này, Đức tự xem mình ở trong tình trạng chiến tranh với Mỹ”, bản tuyên chiến có đoạn viết.

“Tổng thống của ông muốn cuộc chiến này, giờ ông ta có nó”, Ribbentrop hét vào mặt ông Morris.

“Quyết định này thật điên rồ. Canh bạc của người Đức trong Thế chiến II đã ngã ngũ từ đây”, nhà sử học Kershaw bình luận.

Theo ông Kershaw, Hitler biết sớm muộn gì ông ta cũng phải đánh bại Mỹ. Nhưng nếu khôn ngoan hơn, Hitler nên đánh bại hoàn toàn Anh và Pháp trước khi nhắm đến Mỹ. Trùm phát xít đã quá lạc quan khi cho rằng, Nhật Bản sẽ thành công cầm chân Mỹ ở Thái Bình Dương để Đức có thời gian tiêu diệt quân chủ lực Anh – Pháp.

“Chúng ta sẽ không bao giờ thua bất cứ cuộc chiến nào. Chúng ta có một đồng minh chưa từng bị chinh phục trong suốt 3.000 năm”, Hitler ca ngợi phát xít Nhật.

Tuy nhiên ngoài trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản không làm được gì đáng kể để có thể “chia lửa” với Đức trước áp lực của quân Mỹ ở chiến trường châu Âu. Nhờ có viện trợ lớn từ Mỹ cả về sức người và sức của, liên quân Anh – Pháp xốc lại tinh thần, từng bước đánh bật Đức khỏi những khu vực chiếm được.

“Tháng 12.1940, Hitler từng nói với những tướng lĩnh hàng đầu của mình: Chúng ta phải làm xong việc của mình ở châu Âu trong năm 1941. Tới năm 1942, Mỹ chắc chắn sẽ can thiệp. Tuy nhiên, ông ta lại làm ngược lại tất cả”, nhà sử học Kershaw bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem