Rà soát dư địa chính sách tài khóa để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ tư, ngày 22/02/2023 08:04 AM (GMT+7)
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát dư địa chính sách tài khóa để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong trường hợp nền kinh tế gặp khó khăn hơn dự kiến.
Bình luận 0

Các chính sách miễn giảm đã chiếm tới hơn 2% GDP

Nhờ sự can thiệp kịp thời của các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, sự chỉ đạo, quán triệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố, tăng trưởng phục hồi nhanh, là một điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt cả về thu, chi ngân sách nhà nước nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức, giúp nền kinh tế vượt qua tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách tài khóa đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo ước tính, riêng việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn có thời hạn thuế, phí, lệ phí và một số khoản thu ngân sách trong năm 2022 đã lên tới hơn 2% GDP.

Rà soát dư địa chính sách tài khóa để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chính sách về miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp thực hiện trong thời gian qua, có chính sách đã hết hiệu lực, do đó, Bộ Tài chính luôn rà soát, tổng kết, đánh giá để kịp thời đưa ra các giải pháp mới phù hợp với điều kiện của năm 2023. Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ước tính số tiền gia hạn thuế lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung nỗ lực, quyết liệt thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm chi, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tài sản công cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế,… đảm bảo cho chính sách tài khóa được thực hiện minh bạch, hiệu quả. Việc đề xuất gia hạn, kéo dài giãn, hoãn thời gian nộp thuế như đã thực hiện trong năm 2022 sẽ góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế, từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng là “vì người, vì mình”

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Chính phủ nói chung, Bộ Tài chính nói riêng đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện các chương trình hỗ trợ, khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc này không chỉ giúp cho nền kinh tế thoát khỏi khó khăn mà còn có những động thái hỗ trợ cho sự phát triển sau phục hồi. Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp rất có ý nghĩa, bên cạnh hỗ trợ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Không những thế, Bộ Tài chính đã sử dụng các giải pháp tài khóa để ngăn sự gia tăng của lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu như lạm phát được kiểm soát. Gói hỗ trợ tài khóa trong những năm qua đã phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp phục hồi dần sau khó khăn. Những “bài toán” khó được hóa giải với việc coi doanh nghiệp là trung tâm đã cho thấy một Chính phủ vì dân. Khi doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế mạnh thì đồng nghĩa với việc sẽ tăng thu ngân sách. Hỗ trợ để giúp doanh nghiệp tốt hơn cũng chính là “vì người vì mình”.

Tại Diễn đàn Tài chính năm 2022, dự báo về năm 2023, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện, đánh giá đúng, từ các vấn đề căng thẳng địa chính trị và xung đột trên thế giới, vấn đề căng thẳng thương mại, căng thẳng trên thị trường năng lượng, nhiên liệu, lương thực, đến các vấn đề trên thị trường tài chính, tỷ giá, lãi suất, đảo chiều của dòng vốn, suy giảm tăng trưởng kinh tế và các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, bất kỳ biến động, thay đổi về môi trường bên ngoài đều có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bản thân nền kinh tế cũng phải đối mặt với những vấn đề tồn tại như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, hạ tầng còn yếu, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, thu ngân sách nhà nước còn chưa bền vững, giải ngân vốn đầu tư chậm trễ và gần đây có những biến động tiêu cực trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng thương mại làm ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Rất nhiều ý tưởng gợi mở cho chính sách tài khóa trong thời gian tới, như: việc nghiên cứu cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu, trao thêm thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong việc thu một số khoản thuế… Về chi ngân sách, cần cơ cấu lại chi đầu tư - chi thường xuyên, hướng tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tiếp tục rà soát dư địa chính sách tài khóa để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong trường hợp nền kinh tế gặp khó khăn hơn dự kiến. Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành, cần chú ý tới yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Chính sách tài khóa linh hoạt ứng biến trong ngắn hạn

Trong kế hoạch năm 2023, Chính phủ đã nhất quán quan điểm điều hành là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề, như nợ xấu, sự biến động của các thị trường bất động sản, tài chính… Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cú sốc thị trường trái phiếu, rồi sự biến động bất thường trên thị trường bất động sản… là những vấn đề mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu điều hành chính sách tài khóa đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, ứng phó hiệu quả với các khó khăn phát sinh. Trong đó, vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp không thể dựa vào chính sách tài khóa. Chính phủ cần có các giải pháp tổng thể liên quan đến các ưu đãi từ vốn, lãi suất cho đến câu chuyện ưu đãi về đầu tư… Trong năm nay, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do lãi suất thế giới cao, tỷ giá hối đoái tăng, lãi suất cho vay tăng, các “mạch vốn” của nền kinh tế đang có phần ngưng trệ. Do đó, dù không còn nhiều dư địa, nhưng thời điểm này, chính sách tài khóa vẫn phải đảm nhận vai trò trụ cột, đồng thời triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Theo vị chuyên gia này, năm 2023 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Minh Anh (Tài chính)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem