Rời bỏ quê nghèo ra thành phố kiếm ăn, 2-3 tháng các chị mới về nhà một lần. Chuyện quan hệ vợ chồng cũng “bấp bênh” theo thời gian về nhà. Đằng sau đó, có nhiều câu chuyện buồn...
Chị Hà, 32 tuổi, quê Thanh Hoá bán hoa quả rong ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi coi thành phố chỉ là công trường, quê mới là nhà”. Từ thực tế đó, đời sống tình dục của chị và các “đồng nghiệp” cũng mang tính “con lắc” - khi ít, khi nhiều, phụ thuộc vào sự di chuyển của “con lắc” giữa thành phố và nông thôn.
|
Lên phố kiếm sống, ngoài xa cách chồng con, nhiều phụ nữ đối mặt với những nguy cơ và rủi ro (ảnh minh họa). |
Họ đều ý thức rõ không muốn đánh mất gia đình, vì vậy đời sống tình dục của họ có tính “no dồn, đói góp”. Nghĩa là mỗi lần về quê, họ coi quan hệ tình dục là để bù đắp thiếu thốn cho nửa kia trong thời gian vắng nhà.
Chị Thoa, 31 tuổi, ở Hưng Yên, ra Hà Nội bán xôi cứ sau một tháng bươn chải lại về quê. Chị tâm sự: “Vì đi làm xa nên tôi rất nhớ chồng con và thương chồng phải xa vợ. Ngày xưa ở gần nhau tình cảm không được gắn bó như khi đi làm xa. Mỗi lần về, vợ chồng thường xuyên quan hệ và nhiều hơn khi còn ở nhà”.
Chị Đông, bán hoa quả, cứ hai tháng về quê một lần cũng không có cảm giác “ngượng ngùng” khi kể tần suất quan hệ với chồng 4-5 lần trong 10 ngày “nghỉ phép” để bù lại những ngày phải xa nhau.
Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) từng có một điều tra xã hội học về vấn đề này và chỉ ra rằng, có thể số lần quan hệ tình dục được cải thiện nhưng chất lượng đời sống tình dục của lao động (LĐ) nữ di cư giảm. Đó là do sức khoẻ của người vợ giảm sút vì LĐ vất vả, vì tinh thần không thoải mái khi chịu nhiều sức ép ở thành phố.
Cộng với tình trạng “no dồn, đói góp” nên nhiều chị em có biểu hiện rối loạn chức năng tình dục như mất hứng thú tình dục, không tiết dịch âm đạo, không đạt được cực khoái, lo lắng lúc giao hợp, đau rát khi đi tiểu…
Nguy cơ và rủi ro
Chúng tôi vừa thực hiện nghiên cứu về vấn đề tình dục trong nhóm đối tượng LĐ nữ di cư từ nông thôn ra thành phố. Thực tế và những khuyến nghị sẽ góp phần vào việc cải thiện các chính sách và gợi ý cho các sáng kiến hỗ trợ nhóm di cư này có một đời sống tình dục an toàn.
TS Khuất Thu Hồng - đồng sáng lập ISDS
Về quê đã vậy, ở thành phố, đôi khi vì ưu tiên cho việc kiếm tiền, họ bị gạ gẫm, bị cưỡng bức tình dục. Chị Thiện (29 tuổi, quê Hải Dương) đã có chồng và một con, bán trứng vịt lộn rong kể: “Tôi đang đi trên đường, nhiều khi gặp khách là đàn ông, họ lợi dụng chỗ vắng để gạ gẫm”.
“Tôi đi làm giúp việc gia đình ở thành phố gần 7 năm nhưng phải thay đổi chỗ làm đến 4 lần, trong đó có hai lần bị ông chủ cưỡng bức”-chị Thu (23 tuổi) chưa lập gia đình, tâm sự.
Trong “vòng xoáy” kinh tế ở thành phố, LĐ nữ di cư làm nghề tự do, thu nhập thấp thường đứng ở thế yếu, không có điều kiện tự vệ nên rất dễ rơi vào các “bẫy”, bị mời chào và có những người sẵn sàng đổi tình dục để lấy tiền, sau đó trở thành gái mại dâm.
Sống trong môi trường như vậy, nhận thức của họ về an toàn tình dục thường ở dạng “nghe nói”, “nghe đồn”, “hiểu nôm na”. Đặc biệt, theo ISDS, 100% những người tham gia nghiên cứu của họ không biết đầy đủ về các bệnh lây qua đường tình dục thường gặp như HIV/AIDS, giang mai, Chlamydia…
Khi xa nhà, thiếu thốn tình cảm, hầu hết LĐ nữ di cư đã có gia đình đều không cho phép mình được “yêu” vì quan niệm “gái chính chuyên chỉ có một chồng” và đều hướng về chồng con ở quê. Nhưng họ lại dễ dãi chấp nhận chồng ở nhà có thể đi tìm “của lạ” vì “biết làm thế nào khi sinh lý các ông đòi hỏi?” (tâm sự của chị Huệ, làm giúp việc gia đình, có chồng và hai con). Điều này cũng có nghĩa, những LĐ nữ di cư khi về nhà hoàn toàn có thể bị lây nhiễm các bệnh từ chính chồng mình…
Nguyễn Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.