Rác thải y tế đe dọa cuộc sống người dân

Thứ bảy, ngày 15/02/2014 15:40 PM (GMT+7)
Lò xử lý rác thải y tế ở Khánh Hòa sau nhiều năm ọp ẹp đã hỏng hoàn toàn không còn hoạt động. Hiện toàn bộ lượng rác thải y tế, các bệnh viện đều phải tự xử lý, tiêu hủy, thải ra môi trường khu vực nông thôn...
Bình luận 0
Tự đốt bệnh phẩm lao

Tỏ ra mệt mỏi khi nói về về việc tự xử lý rác thải y tế (RTYT) và bệnh phẩm của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Thế Tài – Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Khánh Hòa cho biết: Lò đốt RTYT của thành phố bị hỏng, ngừng hoạt động từ tháng 8.2012 và kể từ đó bệnh viện (BV) đã phải tự đốt rác.

Ngoài rác thải sinh hoạt, mỗi tuần BV phải tự đốt khoảng 15kg RTYT nguy hại, đáng ngại nhất là bệnh phẩm (đờm) của bệnh nhân lao. BV tự đào một cái hố trong khuôn viên bệnh viện, dùng cồn để đốt.

“Dù có cẩn trọng đến đâu thì việc đốt RTYT không đúng quy trình này chỉ bảo đảm được 80 – 90% độ an toàn không lây lan bệnh lao cho nhân viên và cộng đồng, nhưng không còn cách nào khác” – ông Tài nói.

Lò hấp RTYT ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa  đang làm việc hết công suất.
Lò hấp RTYT ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang làm việc hết công suất.

Bác sĩ Dương Nữ Tường Vy – Phó khoa Nhiễm khuẩn BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thì nói: Từ khi lò đốt RTYT hỏng hẳn, khoa Nhiễm khuẩn phải đảm nhận thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ, phải “tự xử” 500kg RTYT/ngày bằng cách dùng lò hấp dụng cụ y tế. “Lò hấp này đã hơn 10 năm tuổi, hơn nửa năm nay chạy hết công suất 8 tiếng/ngày nên thi thoảng trục trặc. Lo nhất là lò hấp dã chiến này hỏng, RTYT tồn đọng sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng” – bác sĩ Vy nói.

Dẫn chúng tôi ra con mương đang chảy róc rách thứ nước đen ngòm rỉ ra từ bãi rác đèo Rù Rì, chảy qua khu dân cư, bà Nguyễn Thị Thái ở tổ 1 Lương Hoàng, xã Vĩnh Lương, TP .Nha Trang bức xúc nói: “Tôi nghe nói do lò đốt bị hỏng nên toàn bộ RTYT của cả BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được xử lý đốt rồi thải ra bãi rác này mà ớn lạnh. Nơi đây chỉ cách Nha Trang vài cây số mà từ trước đến nay chưa có nước máy. Nước giếng ở đây vốn đã bị nhiễm bẩn bởi con mương này nên chúng tôi chỉ có thể dùng để tắm, rửa không thể ăn uống. Giờ thêm RTYT được xử lý ở bãi rác này nữa thì người dân chúng tôi phải sống ra sao đây?”.

Thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa, hiện nay nhiều lò đốt ở các BV huyện cũng hỏng, các BV, cơ sở y tế cứ chở rác đi các nơi khác nhờ “đốt hộ”. Ví như BV huyện Vạn Ninh nhờ BV Ninh Hòa (cách 30km), Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thì nhờ BV Khánh Vĩnh (cách hơn 45km)…

Lúng túng, chần chừ


Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thăng đã từng ra “tối hậu thư”, đến hết tháng 6.2013, nếu Công ty TNHH Môi trường Việt Mỹ không xây lắp xong Nhà máy Xử lý RTYT thì tỉnh sẽ trích ngân sách (5 tỷ đồng) để lắp lò mới. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn im lìm chưa có dấu hiệu khởi động.

Sau 13 năm hoạt động quá tải, lò đốt RTYT TP.Nha Trang liên tục trục trặc và chuyện bị hỏng hoàn toàn đã được “tiên liệu” từ nhiều năm trước. Cuối năm 2011, Sở Y tế đã có tờ trình xin tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng để sắm cái lò mới thay thế, phòng khi cái lò quá cũ này bị hỏng, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Nguyên nhân của sự chần chừ này là do công nghệ đốt trong xử lý RTYT đang được cho là lạc hậu. Tỉnh Khánh Hòa muốn “đón đầu” công nghệ mới, ưu việt hơn. Từ khi lò bị hỏng, tỉnh đã “ưng ý” với công nghệ tiên tiến của dự án Nhà máy Xử lý RTYT Đèo Rù Rì do Công ty TNHH Môi trường Việt Mỹ làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

“Cứ tưởng khoảng 2-3 tháng là xong thủ tục, lắp đặt xong nhà máy, không ngờ kéo dài cho đến nay…” – ông Minh nói. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng có ý chờ một lò đốt RTYT do JICA Nhật Bản hứa tài trợ. Ngành y tế thì chờ dự án xây dựng 5 lò xử lý RTYT tiên tiến theo công nghệ hấp đặt tại các bệnh viện thuộc tỉnh do Bộ Y tế làm chủ đầu tư...

Mai Khuê (Mai Khuê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem