Chuyện là hôm nay vợ “tha” về một cái bếp từ. Không cao cấp lắm, chỉ gần một triệu đồng thôi. Cái bếp gas đôi ở nhà đã sử dụng sáu năm nay. Nhưng một cái bếp gas mới “vừa vừa” cũng gần một triệu đồng. Có bếp từ, khỏi dùng bình siêu tốc khi nấu nước, và nhất là các món nướng, khỏi than củi lấm lem.
Ảnh minh họa
Chồng đỡ cái bếp từ tay vợ, phán ngay: “Tưởng gì, cái này bên nhà cũng có. Mấy tháng trước mới mua”. Bên nhà là nhà cha mẹ chồng, “mới mua” là chồng mua đấy (mà bây giờ vợ mới biết)! Nhưng niềm vui lấp mất cục tức nên vợ bảo: “Bên nhà có, thì giờ nhà mình cũng có cho vui mà anh”. “Xài đi cho biết, cái bếp này chỉ nướng và nấu lẩu được thôi”. “Sao… sao kỳ vậy?”. Vợ hơi lo lắng dù khi mua nhân viên điện máy đã tư vấn cách sử dụng. Chồng tiếp: “Trên vỏ hộp in hình dĩa xúc xích nướng và nồi lẩu chà bá đây nè, bộ đui hay sao mà không thấy?”. “Ủa, không lẽ người ta sản xuất ra bếp từ chỉ để nướng và nấu lẩu thôi sao?”. “Chỉ có người… ngu mới không hỏi ý kiến chồng mà vơ về”.
Vợ nghe nóng mặt. Chuyện có gì mà nặng lời, mà ầm ĩ dữ vậy? Chỉ một cái bếp thôi mà. Huống chi bếp là vợ sử dụng để nấu ăn cho gia đình.
Thật ra, trên đường về vợ đã từng tưởng tượng rằng chồng cầm cái bếp từ sẽ nói “Ui… vợ anh siêu ghê! Từ nay nhà mình ăn lẩu, món nướng thoải mái, không sợ bếp hết cồn, hết gas”. Ai ngờ…
Chuyện chưa dừng lại đó. Chồng khui thùng, cầm quyển sách hướng dẫn sử dụng đọc xong, nói “Xài đi để biết nó tốn điện như thế nào! Thời buổi điện tính theo lũy kế mà vác ba cái của nợ này về”. Hình như chồng đã biết mình “hớ” khi quyển sách ấy hướng dẫn bếp nấu được nhiều thứ chứ không chỉ “nướng và nấu lẩu” như ban đầu nên nói đỡ vậy. Nhưng vẫn không một lời xin lỗi về mấy câu mắng mỏ vợ lúc nãy.
Vợ không muốn, vẫn phải rắc thêm tí gia vị tên “buồn” vào món ăn hạnh phúc trên bàn tiệc hôn nhân của mình.
Trưa. Vợ gọi cho cô em út của chồng, xa gần khen bếp từ tốt, tiện để hỏi em xem nhãn hiệu bếp bên nhà là gì. Xong, vợ kiểm tra trên internet mới biết: thì ra bếp bên nhà giá chỉ hơn một nửa bếp của vợ. Hèn gì chồng chẳng đổ quạu.
Đời người ai tránh được hỉ nộ ái ố? Nhưng cái cách của chồng làm vợ hụt hẫng . Người đàn ông này, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với mình. Đã từng bệnh đau đút từng muỗng cháo, và vợ cũng không còn ở cái tuổi “nhỏ em” để bị mắng chửi nữa. Trong nhà là bà mẹ của đứa con sắp vào đại học; ra đường là trưởng phòng kinh doanh kia mà… Có lẽ, chồng nghĩ đàn ông, là đấng tối cao trong nhà chồng, là một “ông kẹ” nào đó phải cao hơn vợ một cái đầu, phải to vía hơn?
Chồng nằm kia, ngủ khì khì sau bữa cơm ngon với món sườn nướng mật ong ưa thích. Chồng hít hà khen món nướng vàng đều, thơm giòn mà không ám muội than như mấy lần trước. Lại khen món hầm nóng sốt “không chê vào đâu được”.
Nhìn chồng an nhiên ngủ như đứa trẻ, vợ nhớ sự hùng hồn mắng mỏ lúc sáng sao mà đối nghịch nhau, như không phải chỉ một con người. Vợ muốn kéo chồng dậy, lật lại “vụ án” vô cớ miệt thị vợ hồi sáng, bắt anh phải một lời xin lỗi, hai câu hứa hẹn không tái phạm, ba câu thề thốt nếu tái phạm sẽ… Nhưng tấm tranh chú tiểu cười tươi như hoa đang ngồi giữa đám sen hồng đã khiến vợ suy nghĩ. Và dưới đám sen ấy, câu “Người đời học nói… Con học làm thinh…” đã đánh thức chị.
Học làm thinh cũng là học nói vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.