Hơn 10 năm, một cây sung lạ đã mang đến cho gia đình lão nông Bùi Đăng Tỵ (73 tuổi, ở xóm Miếu, thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tiền triệu mỗi tháng. Thời điểm cây sung cho quả liên tục cũng là lúc gia đình ông Tỵ làm ăn phát lộc, phát tài, thuận buồm xuôi gió. Khi cây ngừng ra quả là lúc gia đình ông làm ăn thất bát, nhiều tai họa ập đến.
|
Cây sung khi còn sai quả. |
Cây sung “bạc triệu”
Tôi tìm về xóm Miếu gặp ông Bùi Đăng Tỵ - người đang sở hữu cây sung “bạc triệu” - để tìm hiểu thực hư lời đồn thổi. Trong căn nhà nhỏ, bàn ghế thô sơ, ông Tỵ vừa rót nước mời khách vừa kể: "Cây sung có từ thời bố tôi, lớn lên tôi đã thấy có cây sung này. Đây không phải là cây sung cảnh mà là cây cho quả và bóng mát. Năm nay tôi đã 73 tuổi, ước chừng cây sung đã gần trăm tuổi rồi đấy".
Cây sung nhà ông Tỵ được trồng để làm bóng mát trước hiên. Ông Tỵ bảo, hồi ông còn bé xíu, cây sung cũng chỉ ra lác đác vài quả một. Khi bố ông mất một thời gian thì cây "chết khô" rồi bỗng nhiên sống lại. Khoảng 10 năm trở lại đây, cây trở nên xanh tốt và cho quả liên tục nhiều đợt trong năm. Một năm có 4 mùa thì có đến 3 mùa xuân, hạ, thu cây đều ra quả chi chít từ gốc đến ngọn.
Nếu nhìn từ xa thì chỉ thấy quả mà không thấy thân cây đâu. Thấy sung sai quả, ông hái cho vợ đem ra chợ bán, mỗi ký cũng được khoảng 4 -5 nghìn đồng. Càng hái, cây càng cho nhiều quả, quả rất đều, ăn không hề chát mà có vị thơm và bùi nên bán rất chạy. Đây là loại sung lá nhỏ, quả thường được các nhà hàng đặc sản ưa chuộng, mua về để muối chua hay dùng cho khách ăn ghém cùng rau sống.
Một năm trước, cây sung nhà ông Tỵ chi chít quả, càng gần gốc, quả càng sai. Quả của cây sung này rất giòn và ngọt, có thể hái tươi, chấm với bột nêm, ăn no bụng mà không bị cồn ruột hay say như các loại sung khác.
Một gia đình thuần nông, ruộng đất hạn hẹp, lại thêm tuổi già, sức yếu như ông Tỵ mà có một cây sung đó thì đúng là "của trời cho". Tuần nào, vợ chồng ông cũng có thu nhập vài trăm nghìn do nhặt tỉa quả sung đem bán. Ông Tỵ cho biết mỗi năm cây sung “đẻ” cho vợ chồng ông số tiền tương đương với… 1 tấn thóc.
Thấy cây sung cho quả một cách kỳ lạ, ông Tỵ và vợ con ra sức chăm sóc cho cây. Mùa mưa cây hay bị muội nên ông phun thuốc diệt muội, trừ sâu. Ngay cả người làng đến tận cây hỏi mua, ông cũng không đồng ý cho họ tự vặt mà phải chính ông, vợ ông hoặc người con dâu mới được động vào để tránh cho cây bị hỏng.
|
Cây sung trụi quả ở thời điểm hiện tại. |
Ông Tỵ cho biết: “Cây sung có chiều cao khoảng 20m, gốc dưới dài khoảng hơn 1m, cành lá tốt tươi, quả sai trĩu. Đặc biệt, 1 năm cây cho 7 - 8 lần quả, trung bình 1 tháng/1 lần quả. Vào tháng 11, cây ngừng “đẻ” nhưng sang tháng 3 cây lại “mắn” quả đến gần hết năm”.
Vợ chồng ông Tỵ có 5 người con. Nhà đông con nên việc học hành của các con ông không lo được đến nơi đến chốn. Học hành dở dang, các con ông đều lang bạt đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Ròng rã mấy chục năm trời, kinh tế gia đình vẫn giậm chân tại chỗ.
Khi từng đứa con dựng vợ, gả chồng cũng là lúc gia đình ông phải gánh vác một khoản nợ lớn. Không có điều kiện làm nhà, mấy người con ông phải ở tập trung trong ngôi nhà chật hẹp từ thời ông cụ để lại.
Khi kinh tế gia đình ông Tỵ đang rất khó khăn thì đúng thời điểm đó, cây sung bắt đầu ra quả sai trĩu. Từ đó, các con ông làm ăn đều suôn sẻ, không gặp bất cứ một sự trở ngại, khó khăn nào. Từ một người chuyên làm thuê làm mướn, anh con cả của ông Tỵ bỗng chốc thành ông chủ thầu xây dựng có tiếng trong làng. Cả xã Phù Chẩn xôn xao khi anh này dựng lên căn nhà 3 tầng khang trang. Rồi liên tiếp trong một thời gian ngắn, 3 người con trai kế của ông đều xây dựng được 3 căn nhà kiên cố.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, một năm trở lại đây, cây sung nhà ông Tỵ bị trụi hẳn quả. Giải thích về việc này, ông bảo: “Từ tháng 11 năm ngoái rồi đến giờ, cây sung bị muội, sâu nên không cho quả như mọi năm trước. Cây bị sâu bất thường nên tôi cũng không phun thuốc chữa được. Tôi đã cắt đi một phần thân cây để giữ lại phần cây còn sống ”.
|
Ông Tỵ buồn vì cây sung quý không ra quả nữa. |
Cây trụi quả, người lao đao
Lâu nay, người dân xã Phù Chẩn đã quen cảnh vợ ông Tỵ mang sung đi bán. Gần đây, không thấy bà đi bán sung nữa, mọi người mới biết cây sung bị trụi cây, trụi cả quả. Cũng đúng lúc đó, gia đình ông Tỵ có nhiều rối ren. Người con trai cả của ông đang ăn nên làm ra thì gặp sự cố trong công việc.
“Đúng là ở địa phương chúng tôi có bàn tán rất nhiều về cây sung nhà ông Tỵ. Việc chính quyền xã tháo dỡ ki-ốt của anh Bùi Đăng Quyền (con trai cả ông Tỵ) là do anh Quyền thuê và xây dựng ki-ốt không đúng quy định”
- ông Nguyễn Văn Tiến (Chủ tịch UBND xã Phù Chẩn) cho biết.
Con ông thuê ki-ốt ở chợ Phù Lộc dài hạn để phục vụ cho việc làm ăn, bỗng một ngày chính quyền xã dỡ bỏ mà không có lý do. Hai cô con gái kinh tế sa sút, thường xuyên lục đục chuyện chồng con. Bản thân ông Tỵ sức khoẻ giảm rõ rệt, hay ốm đau. Ai cũng nói, nhà ông có lộc sung nhưng giờ sung bại nên kéo theo việc gia đình ông mất lộc.
Trước những lời đồn thổi vô căn cứ, ông Tỵ bộc bạch: “Chuyện con trai tôi gặp rắc rối ở hợp đồng thuê ki-ốt chợ đã xảy ra từ tháng 3.2010. Trong làm ăn kinh doanh, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi theo ý của mình được. Việc cây sung bị trụi quả bất thường không liên quan gì đến việc làm ăn của gia đình tôi cả”.
Còn về chuyện bản thân bị ốm đau liên miên, ông nói: “Đó là do tôi bị di chứng từ chiến tranh. Bao nhiêu năm xả thân nơi chiến trường, bảo vệ Tổ quốc, tôi mang một cơ thể giập nát trở về quê hương. Tôi không có bệnh mới, chỉ là bệnh cũ đến hồi tái phát, không tránh được”.
Là một người lính bộ đội cụ Hồ, từng vào sinh ra tử trước hòn tên mũi đạn của quân thù, ông Tỵ không hề mê tín.
Nhưng trước việc cây sung gần trăm tuổi của gia đình bỗng chốc lụi tàn, ông Tỵ buồn bã: “Tôi không nghĩ cây sung có ảnh hưởng đến việc làm ăn hay giống nòi của gia đình mình, nhưng cây đã gắn bó với gia đình tôi mấy chục năm rồi, giờ trụi cành, trụi quả nên tôi buồn lắm. Lại thêm mọi người đồn thổi về những rắc rối của gia đình tôi khiến tôi cũng có đôi chút lao đao”.
Tuy vậy, khi nhiều người đánh tiếng xin mua cây sung trụi quả thì ông Tỵ nhất quyết không bán. “Cây sung này nếu chết hẳn thì tôi coi như nó tuân theo vòng sinh tử ở đời, còn không tôi vẫn giữ lại cây, coi như làm cảnh trong nhà và ghi nhớ "lộc trời" một thuở" - ông Tỵ tâm sự.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.