Rời phồn hoa đô hội, lên non cao nước biếc, trồng rau hút khách du lịch

Lê Kiến Thứ năm, ngày 04/06/2020 13:35 PM (GMT+7)
Rời phố thị phồn hoa, ông Nguyễn Chất Sâm (52 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh) lên Tây Nguyên mở trang trại theo hướng Farmstay - nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Bình luận 0

Rời phố thị phồn hoa, ông Nguyễn Chất Sâm (52 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh) lên Tây Nguyên mở trang trại theo hướng Farmstay - nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Cách đây 20 năm, ông Nguyễn Chất Sâm từng tham gia xây dựng công trình thủy điện lớn bậc nhất Tây Nguyên - Thủy điện Ia Ly. Lưu luyến vùng đất màu mỡ, xinh tươi một thời, ông quyết định rời phố lên thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, Gia Lai) đầu tư trang trại nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Vị trí đầu tư khá đắc địa: Lưng dựa núi, mặt nhìn ra hồ thủy điện Ia Ly và cách chân đập thủy điện chừng 300m.

(Báo giấy) Rời phố lên núi làm Farmstay - Ảnh 1.

Rời phố thị, ông Nguyễn Chất Sâm lên Tây Nguyên làm Farmstay. Ảnh: L.K

Ông Sâm chia sẻ: "Tôi rời xa mảnh đất này bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn nhớ, như có ai đó kêu gọi mình quay lại với Ia Ly. Ở đây, đất đai rất tốt, cảnh non cao nước biếc quá tuyệt vời nên tôi quyết quay trở lại đầu tư mảng nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng".

Theo ông Sâm, quy mô dự án đầu tư ở đây khoảng 25 tỷ đồng trên diện tích 15ha, trong đó đã đầu tư 13 tỷ trồng cây ăn trái như: Sầu riêng Musang king, mít Thái, chanh dây… bước đầu đã cho thu hoạch. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư mạnh vào hoạt động kết hợp với nông nghiệp là xây dựng nhà nghỉ homestay, hồ bơi nhân tạo và tự nhiên.

Nhờ địa thế thuận lợi, ông Sâm mạnh dạn chi ra gần 1 tỷ đồng kéo đường ống nước dài 2,5km lên đỉnh núi dẫn nước về, tưới cây hoàn toàn không tốn chi phí tiền điện. Trong khuôn viên trang trại, hệ thống nước nhỏ giọt được lắp đến từng gốc cây trồng. Từ khâu trồng, chăm sóc đều làm theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Nói về cách làm "mang tiền lên núi" - ông Sâm bày tỏ: "Tôi thấy thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở đây đều có cả nhưng chưa khai thác tốt tiềm năng của nó. Nông nghiệp thì nhỏ lẻ, thiếu chiều sâu. Riêng mảng du lịch hơi lãng phí tài nguyên, trong đó có rất nhiều điểm du lịch đẹp như thủy điện Ia Ly, thác Công Chúa, làng du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông, núi Chư Đăng Ya… Những nơi này chỉ mới đón khách, chứ không giữ được chân du khách lâu hơn. Mục tiêu của trang trại là tạo điều kiện cho du khách đến có chỗ dừng chân, được trải nghiệp nông nghiệp và ăn trái cây sạch".

Theo ông Sâm, về lâu dài ông sẽ hướng dẫn cho nhiều người dân trong vùng cùng làm nông nghiệp sạch, khi có vùng nguyên liệu đủ nhiều sẽ đầu tư thêm cơ sở chế biến và kết nối đầu ra, tiêu thu nông sản. Hiện, trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động, đã hỗ trợ 1.000 cây mít Thái cho bà con trên địa bàn thị trấn Ia Ly.

Nói về trang trại ông Sâm, ông Trần Đắc Thắng - Phó Phòng NNPTNT huyện Chư Păh cho biết: Đây là mô hình phù hợp với xu thế tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, ưu tiên chuyên canh quy mô lớn và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hướng đi này thuận lợi phát triển nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và cấp mã vùng truy suất nguồn gốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem