Trong đầu những năm 1930, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới lúc đó Liên Xô cũng bắt đầu xây dựng lực lượng lính dù đầu tiên của mình. Tuy nhiên Không quân Liên Xô khi đó lại không sở hữu bất cứ mẫu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn nào phù hợp với nhiệm vụ này. Trong ảnh là máy bay ném bom hạng nặng Tupolev TB-3 của Không quân Liên Xô và cũng là mẫu máy bay quân sự đầu tiên của lực lượng lính dù nước này.
Và sau một thời gian trì hoãn, cuối cùng TB-3 được chọn làm mẫu máy bay hỗ trợ cho các hoạt động đổ bộ đường không của Không quân Liên Xô, kể cả khi dòng máy bay ném bom này không được thiết kế để có thể chở theo nhiều người. Trong ảnh là một đơn vị lính dù Liên Xô được triển khai từ một chiếc TB-3.
Thay vì mang theo 2 tấn bom, TB-3 được chuyển đổi thành một mẫu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn với khả năng chở theo 35 lính dù cùng đầy đủ trang bị. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu như lính dù Liên Xô không phải trượt xuống theo một bên cánh của TB-3 để có thể nhảy ra khỏi máy bay.
Về cơ bản các biến thể TB-3 sửa đổi ban đầu không có khoang chứa quân hoàn chỉnh và khi gần tới vị trí thả dù các binh sĩ được bố trí ngồi dọc hai bên thân gần cánh máy bay để thuận tiện cho việc triển khai. Ỷ tưởng này của Liên Xô lúc đó được xem là khá điên rồ trong khi Anh, Mỹ hay Pháp có cách tiếp cận ít rủi ro hơn.
Nguyên soái Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky - một trong năm nguyên soái đầu tiên của Quân đội Liên Xô là người khá ủng hộ việc Liên Xô xây dựng lực lượng đổ bộ đường không. Ông cho rằng, sở hữu một lực lượng dù đủ mạnh có ý nghĩa chiến lược quân sự rất lớn khi nó cho phép Quân đội Liên Xô có thể dễ dàng triển khai số lượng lớn quân ở các khu vực nằm sâu bên trong tuyến phòng thủ của đối phương.
Với học thuyết này, Liên Xô bắt đầu xây dựng các lữ đoàn dù đầu tiên vào đầu những năm 1930, tuy nhiên tính thực chiến của lực lượng này không cao. Một trong những cái tên đầu tiên của lực lượng Dù Liên Xô là Lữ đoàn đổ bộ đường không số 3 (chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt) được thành lập vào tháng 12.1932.
Đến năm 1933 lực lượng Dù Liên Xô đã đạt quân số khoảng 8.000 binh sĩ. Và cũng thời gian này các đơn vị dù đổ bộ đường không bằng tàu bay lượn cũng được Liên Xô thành lập. Chỉ một năm sau đó Không quân Liên Xô đã sở hữu tới 230 tàu bay lượn cùng 57.000 phi công. Trong ảnh là Iosif Stalin – Lãnh đạo tối cao Liên Xô trong chuyến thăm đến một đơn vị Dù Liên Xô trong những năm 1930.
Trong một đợt tập trận gần Kiev, Ukraine vào năm 1935 các quan sát viên quân sự Phương Tây đã choáng ngợp trước lực lượng dù non trẻ của Liên Xô khi đó. Đã có khoảng 1.800 lính dù cùng đầy đủ trang bị được Liên Xô triển khai trong đợt tập trận này trước sự ngỡ ngàng của Anh, Mỹ và Đức.
Dù sở hữu lực lượng dù đông đảo nhưng khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra các đơn vị Dù Liên Xô hầu như không tham chiến mà được sáp nhập vào các đơn vị bộ binh và nhanh chóng bị loại ra khỏi vòng chiến trước khi kịp thực hiện bất cứ một cuộc đổ bộ đường không quy mô nào.
Thậm chí phương tiện hỗ trợ đổ bộ duy nhất của lực lượng Dù Liên Xô khi đó là các máy bay ném bom TB-3 cũng bị loại biên vào năm 1939 trước khi chiến tranh nổ ra. Và cho đến mãi những năm 1950 lực lượng Dù Liên Xô mới được xây dựng lại và trở thành tiền thân của lực lượng Đổ bộ Đường không Nga ngày nay.
Trà Khánh (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.