“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn (Kỳ 5): Thiên đường lừa dối

Chủ nhật, ngày 27/05/2018 14:35 PM (GMT+7)
Có một điều mà đàn ông siêu giàu sợ hơn cả cơ quan thuế, đó là một bà vợ đòi ly hôn. Dưới góc độ này, Panama trở thành “thiên đường lừa dối”, giải pháp cứu cánh cho những ông chồng siêu giàu không muốn chia quá nhiều tài sản cho vợ.
Bình luận 0

“THIÊN ĐƯỜNG LỪA DỐI”

Có một điều mà đàn ông siêu giàu sợ hơn cả cơ quan thuế, đó là một bà vợ đòi ly hôn. Dưới góc độ này, Panama trở thành “thiên đường lừa dối”, giải pháp cứu cánh cho những ông chồng siêu giàu không muốn chia quá nhiều tài sản cho vợ.

Gói dịch vụ ly hôn

Kho dữ liệu khổng lồ “Hồ sơ Panama” mà tờ Süddeutsche Zeitung có được và đang được các nhà báo toàn thế giới phân tích cho thấy Công ty luật Mossack Fonseca cung cấp cả dịch vụ “che giấu” - một phần trong gói ly hôn dành cho khách hàng. Các khách hàng giàu có, phần lớn là nam giới, đã đề nghị các chuyên gia của Mossack Fonseca giúp họ giấu tiền khỏi các bà vợ. Và các luật sư, cố vấn tại Mossack Fonseca vốn không e ngại các vấn đề cá nhân đã giúp đỡ khách hàng một cách nhiệt thành.

Ở một mức độ nào đó, một vụ ly hôn không khác một vụ làm ăn buôn bán là mấy. Thông thường các luật sư của bên vợ và bên chồng sẽ ngồi lại với nhau để thảo các chi tiết tài chính. Nhưng giới siêu giàu thường tìm cách ngăn chặn trường hợp này xảy ra từ trước thông qua việc ký kết các hợp đồng hôn nhân hoặc thuê chuyên gia các công ty luật như Mossack Fonseca để “hô biến” tài sản bằng cách đầu tư vào các tổ chức và các công ty bình phong.

Các bức thư điện tử của nhân viên Mossack Fonseca trao đổi với khách hàng cho thấy rõ ràng là công ty luật này giúp khách hàng thực hiện thủ thuật tẩu tán tài sản trước ly hôn. Theo điều tra của Süddeutsche Zeitung, một thư mà nhân viên Mossack Fonseca chi nhánh ở Luxembourg viết cho đồng nghiệp có đoạn: “Vụ này chắc sẽ đơn giản với anh. Nhưng đừng dùng kiến thức bao la của anh vì mục đích riêng nhé. Bây giờ có một người đàn ông Hà Lan muốn bảo vệ một phần tài sản trước phản ứng phụ không mong muốn của một vụ ly hôn (vốn đang hiện dần). Anh có đề xuất gì không? Tôi có thể dùng một quỹ tín thác kiểu cũ để ngăn bà vợ tiếp cận số tài sản này không?”.

Thỉnh thoảng cũng có vụ một bà vợ nào đó muốn giấu tiền khi sắp ly hôn. Theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca có một khách hàng là một phụ nữ Peru muốn giấu chồng việc mình có tiền thừa kế. Bà này đã công khai nói với các cố vấn tài chính của Mossack Fonseca rằng bà đã tẩu tán tài sản trong các công ty bình phong.

Vụ ly hôn của tỷ phú Nga

Một trong những khách hàng sử dụng “gói ly hôn” của Mossack Fonseca là tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev. Vụ ly hôn giữa ông và vợ khi đó là bà Elena không chỉ là một sự kiện thu hút báo chí mà còn được coi như “sách giáo khoa” dạy các chiêu bảo vệ tài sản trong trường hợp hôn nhân đổ vỡ. Là một trong những người giàu nhất hành tinh theo xếp hạng của tạp chí Forbes với tổng tài sản 8,5 tỷ USD, ông Rybolovlev đã tìm cách giấu tài sản giá trị, từ những bức tranh, đồ nội thất cho đến du thuyền để vợ không thể nào đòi cưa đôi.

Hai vợ chồng họ gặp nhau khi cả hai cùng học ngành dược, kết hôn năm 1987 tại Nga. Ông Rybolovlev trở thành doanh nhân trong lĩnh vực phân bón. Hai vợ chồng ông chuyển tới Thụy Sỹ sống cùng hai con gái trong những năm 1990. Ngày 22.12.2008, bà Elena nộp đơn ly dị lên một tòa án ở Geneva. Theo luật Thụy Sỹ, bà có quyền hưởng một nửa tài sản của chồng.

img

Ông Dmitry Rybolovlev và vợ.

Các luật sư của bà Elena cho biết gia đình có một bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại rất ấn tượng, gồm những bức tranh của các danh họa như Pablo Picasso, Vincent van Gogh, Claude Monet và Mark Rothko. Tuy nhiên, việc bà Elena lần ra các tài sản khác nhau và tuyên bố có quyền sở hữu một nửa không phải là điều đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó. Từ trước khi ly hôn rất lâu, ông Rybolovlev đã chuyển phần lớn tài sản vào các quỹ tín thác khác nhau. Mục đích được cho là để bảo vệ tương lai tài chính của các con gái.

Riêng về phần các bức tranh, đồ nội thất và du thuyền, chủ sở hữu của chúng trên giấy tờ là ba công ty bình phong đăng ký tại quần đảo Virgin. Bà không chắc liệu mình có quyền tiếp cận các tài sản này không và sợ rằng chồng bà là người kiểm soát duy nhất các công ty đó, rằng số tài sản này có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Những công ty này từng do Mossack Fonseca thành lập.

Nếu muốn giành phần chia tài sản của chồng, có một điều rõ ràng là bà Elena cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ. Ba luật sư của bà Elena đã gặp bà để trao đổi về vụ ly hôn một tuần sau khi bà nộp đơn ở Geneva. Họ bày tỏ lo ngại về việc ông Rybolovlev đang tẩu tán tài sản của gia đình. Ví dụ như các bức tranh, bức Landscape with Olive Tree của Van Ghog và bức Pierrette’s Wedding của Picasso trước đây luôn được để ở Geneva, nơi gia đình sinh sống. Nhưng nhiều bức trong bộ sưu tập đã được đưa tới Singapore hay London.

Các luật sư cũng đề cập tới đồ nội thất giá trị cũng như du thuyền My Anna trị giá 60 triệu USD. Du thuyền này trên danh nghĩa đang thuộc về một công ty bình phong tên là Treehouse. Bà Elena sợ rằng chồng bà sẽ chuyển du thuyền ra khỏi vùng biển Virgin và lãnh thổ Thụy Sỹ, ngoài tầm với của bà.

Kết cục, thẩm phán ở đảo Tortola - hòn đảo chính của quần đảo Virgin - đã nhất trí với các luật sư của bà Elena là nguy cơ du thuyền, các bức họa và tài sản khác “biến mất” là rất cao. Vị thẩm phán đã ra lệnh tạm thời đóng băng tài sản của các công ty bình phong này.

Ông Rybolovlev từ chối bình luận về vấn đề này với phóng viên tờ Süddeutsche Zeitung. Thực ra, chưa ai chứng minh được rằng ông Rybolovlev cố tình lừa gạt khi giấu tài sản khỏi vợ và bản thân ông cũng vài lần bác bỏ thông tin này. Tuy nhiên, các động thái của ông Rybolovlev khiến người ta không thể không nghĩ tới khả năng đó. Luật sư Sanford Ain ở Washington nói: “Các giao dịch làm ăn càng gần thời điểm ly hôn thì càng nhiều khả năng một trong số hai vợ chồng đang tìm cách lừa gạt người kia”.

Che giấu tài sản chung để không phải cưa đôi trong trường hợp ly hôn có thể bị coi là lừa gạt và bị trừng phạt. Tuy nhiên, các đại diện của Mossack Fonseca chỉ nói rằng “họ lấy làm tiếc nếu khách hàng lạm dụng các công ty mà họ thành lập hoặc dịch vụ họ cung cấp”. Dù vậy, tài liệu rò rỉ cũng chứng minh một điều là nhân viên Mossack Fonseca có biết một số khách hàng chủ định giấu tài sản khỏi con mắt của vợ/chồng mà tương lai sẽ là vợ/chồng cũ.

Hiện không rõ bà Elena nhận được bao nhiêu sau vụ dàn xếp ly hôn mùa thu năm 2015. Chỉ biết bên cung cấp dịch vụ ở các thiên đường thuế mới là người thắng cuộc thực sự trong các vụ ly hôn. Chi nhánh địa phương của Mossack Fonseca hỗ trợ ông Rybolovlev giấu tài sản hưởng lợi đầu tiên, kế đến là công ty luật giúp bà Elena giành lại một phần tài sản gia đình.

Thùy Dương (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem