Thời điểm cuối năm, nguồn ngoại tệ của kiều bào gửi về nước bắt đầu tăng mạnh. Theo dữ liệu kiều hối thường niên 2019 do Ngân hàng Thế giới mới công bố, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 nước thu hút lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Muôn kiểu “dùng” kiều hối
Việt Nam tiếp tục trong Top 10 nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Ảnh: I.T
Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so năm 2018. Gần đây nhất, các năm 2017, 2018, Việt Nam ở danh sách này với lượng kiều hối đổ về lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.
|
Chị Vũ Hồng Bích (Thái Bình), một Việt kiều Mỹ về nước thăm gia đình đúng dịp trước Tết Nguyên đán cho biết, một năm vất vả tích góp được một khoản tiền kha khá, lần này về nước thăm gia đình chị Hồng tranh thủ tìm hiểu một số bất động sản trong nước để đầu tư sinh lời.
“Thời gian mới sang Mỹ, tôi thường gửi tiền về cho gia đình mua đất, xây nhà và sắm sửa vật dụng trong gia đình. Đến nay nhà cửa khang trang rồi nên tôi quyết định sử dụng số tiền tiết kiệm trong năm nay để đầu tư vào bất động sản tại các thành phố lớn, trước hết là Sài Gòn, Đà Nẵng… những vùng có tiềm năng phát triển. Đây sẽ là khoản tiết kiệm của tôi cho tương lai khi quay trở lại Việt Nam”- chị Bích chia sẻ.
Không phải là Việt kiều, song anh Đoàn Vũ lại có người thân đang xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc nên năm nào anh Vũ cũng ra ngân hàng để nhận tiền kiều hối từ người thân chuyển về. Anh Vũ cho biết, mấy năm nay số tiền của người nhà anh gửi về cho gia đình đều tăng, cứ năm sau nhiều hơn năm trước nên gia đình anh cũng mừng.
Với số tiền nhận được từ người thân, gia đình anh xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa hàng năm vẫn dư giả. “Số tiền không sử dụng đến, gia đình tôi góp vốn vào doanh nghiệp của người thân trong gia đình để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nên lúc nào tiền cũng đẻ ra tiền”- anh Vũ vui vẻ nói.
Tương tự, ông Bùi Văn N tại một Đồng Nai cho hay: “Trước đây vợ chồng rất khó khăn, quanh năm lao động vất vả cũng chỉ đủ ăn. Mấy năm gần đây sau khi vay mượn cho 2 đứa con đi xuất khẩu lao động ở Đức thì cuộc sống thay đổi. Mỗi năm 2 đứa con gửi về khoảng 1 tỷ đồng”.
Nói về việc sử dụng số tiền này, ông N cho biết, ngoài việc chi tiêu những vấn đề quan trọng, việc lớn trong gia đình thì số tiền còn lại ông bà gửi tiết kiệm cho con cháu, sau này có vốn làm ăn kinh doanh.
Không phải cá biệt, ông N cho biết, quê ông nhiều hộ gia đình khác cũng có 2 đến 3 con đi xuất khẩu lao động, gửi về cả tỷ đồng mỗi năm. Cũng vì thế, diện mạo ở làng quê vốn được coi là nghèo khó này, giờ đây, những căn nhà mới khang trang đã xuất hiện ngày một nhiều.
Lọt “top” 10 thế giới…
Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so năm 2018. Gần đây nhất, các năm 2017, 2018, Việt Nam ở danh sách này với lượng kiều hối đổ về lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.
Trong 26 năm qua, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 120 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; đến năm 2018 vọt lên 16 tỷ USD.
Cũng theo WB, Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á và duy trì trong TOP 10 thế giới về thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây. Giai đoạn 2010 - 2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), lượng kiều hối năm 2019 đạt mức tăng trưởng khoảng 6 - 8% so với năm ngoái, ở mức 13 - 14 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải- chuyên gia tài chính - tiền tệ nhận định, với dòng kiều hối trung bình khoảng 16 tỷ USD/năm trong những năm gần đây, con số 16,7 tỷ USD trong năm 2019 là hoàn toàn dễ hiểu.
Ông Hải phân tích, nền kinh tế vĩ mô thời gian qua đã có sự tăng trưởng ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gia tăng, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giáo dục, y tế… đã tạo sức hút với kiều bào đổ tiền về kinh doanh, nắm bắt cơ hội đầu tư. Thêm nữa, áp lực tiền tệ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ giá lên cao, vì thế nhiều kiều bào cũng tranh thủ chuyển tiền về đổi qua VNĐ tích trữ.
Một yếu tố quan trọng khác là số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… Hiện, Việt Nam đang có khoảng 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoàng Anh -chuyên gia kinh tế bổ sung, trong thời gian qua do kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị VNĐ ổn định đã góp phần nâng cao niềm tin của công chúng vào đồng nội tệ. “Với điều kiện thuận lợi như vậy, bà con kiều bào tin tưởng để chuyển tiền về nước”- vị này nhấn mạnh.
Nhìn dưới góc độ các kênh đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín, nhận định kiều hối gửi về Việt Nam có thể dùng để đầu tư sản xuất, kinh doanh; đầu tư bất động sản để sinh lời dài hạn hoặc hỗ trợ gia đình và người thân… Do đó, bản chất nguồn kiều hối thường ổn định trong trung dài hạn nên không dễ bị xáo trộn, từ đó góp phần tăng cung ngoại tệ cho thị trường cũng như góp phần ổn định tỷ giá.
Đo mức độ hội nhập của quốc gia
Lượng kiều hối lên đến hàng tỷ USD mỗi năm góp phần làm ổn định thị trường ngoại tệ bên cạnh các dòng vốn khác. Ngân hàng Nhà nước có thể mua vào ngoại tệ, củng cố dự trữ ngoại hối – lá chắn bảo vệ nền kinh tế trước những biến động của thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng, CPTPP có hiệu lực, VN-EU. Ngoài ra, kiều hối về nhiều cũng thể hiện mức độ hội nhập của quốc gia. Kiều hối tăng, độ mở chứng tỏ độ mở cửa hội nhập của nước ta càng lớn. Đó là xu thế tất yếu.
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng
Phụ thuộc niềm tin của người dân
Việt Nam luôn coi trọng nguồn lực của đồng bào ở nước ngoài. Thực tế sử dụng kiều hối trong nhiều năm qua cho thấy, ngoại tệ gửi về đã hỗ trợ cho nhiều hoạt động tại địa phương như: Sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn cho đời sống người thân, giải quyết việc làm, qua đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kiều hối là nguồn tiền của dân nên quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ, phụ thuộc vào việc người dân đặt niềm tin vào lĩnh vực kinh doanh, đầu tư nào.
Ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Không có lý do kiều hối giảm năm 2020
Kiều hối về Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là lãi suất và tăng trưởng kinh tế quốc tế. Về lãi suất, lãi suất của các quốc gia trên thế giới bao giờ cũng thấp hơn so với lãi suất tại thị trường trong nước. Hiện tại lãi suất USD giữ ở mức 0% song lãi suất tiền đồng ngắn hạn cũng lên tới 5%/năm. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo nhích nhẹ so với năm 2019, như vậy thu nhập của người Việt Nam ở nước ngoài cũng vẫn tăng trưởng. Hai yếu tố này có thể khẳng định, kiều hối năm 2020 không có lý do nào để sụt giảm.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - chuyên gia kinh tế
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.