Hơn hai trăm năm lịch sử nhà Minh đã để lại cho chúng ta không ít chủ đề nói chuyện thú vị, ví dụ như rốt cuộc Chu Nguyên Chương có xấu xí không?
Rốt cuộc tay nghề làm mộc của Minh Hy Tông Chu Do Hiệu cao đến mức nào? Hoàng đế Vạn Lịch không lâm triều lâu như vậy, tại sao Đại Minh vẫn có thể vận hành như thường?
Ngoài những điều kể trên, Cẩm y vệ phía sau Hoàng đế cũng là chủ đề đầy sức hấp dẫn.
Vai trò của Cẩm y vệ khi được Chu Nguyên Chương lập ra
Dù là trong truyền thuyết dân gian hay trong ghi chép chính thống, bóng dáng của Cẩm y vệ đều đan xen trong mọi ngóc ngách.
Có vẻ họ xuất hiện ở mọi nơi, dường như nắm trong tay quyền lực vô cùng lớn, thực thi những nhiệm vụ không thể công khai trước bàn dân thiên hạ cho Hoàng đế.
Vậy thì quyền lực của Cẩm y vệ thời nhà Minh rốt cuộc lớn độ nào, đến mức khiến hoàng thân quốc thích nghe tiếng đã phải kinh hồn bạt vía?
Năm Hồng Đức thứ 15 (1382), Chu Nguyên Chương hợp nhất những cơ quan phụ trách nghi trượng và thủ vệ hoàng thành như Nghi loan ty, Củng vệ ty, lấy Củng vệ ty làm chủ thể, mở rộng thành "Cẩm y vệ" Tòng tam phẩm.
"Vệ" là một loại biên chế quân đội chính quy thời ấy, cho nên không phải ngay từ đầu "Cẩm y vệ" đã là "cảnh sát đặc nhiệm", mà là Cấm vệ quân, chủ yếu phụ trách canh phòng trực ca đêm, trinh sát, bắt bớ và trông coi thiên lao.
Hai năm sau, Chu Nguyên Chương còn thăng chức Chính tam phẩm cho Cẩm y vệ.
Ban đầu dưới Cẩm y vệ có 7 ty là Ngự kỷ, Phiến thủ, Kình cái, Phiên trảng, Phủ việt, Loan dư và Thuần mã, đều là Chính lục phẩm.
Từ tên gọi, người ta thấy chức năng phần lớn các ban ngành của Cẩm y vệ lúc này là đảm nhiệm công việc nghi trượng, về tổng thể quyền hạn không hề lớn.
Tuy Chu Nguyên Chương từng thiết lập hai Trấn phủ ty Nam và Bắc trong Cẩm y vệ, để cơ quan này vượt qua quyền hạn của các cơ quan tư pháp thông thường, được bắt bớ, tra tấn và hành quyết những tham quan ô lại, nhưng vào năm Hồng Vũ thứ 20 (1387), do cảm thấy nhóm Cấm vệ quân này có dấu hiệu lạm dụng chức quyền, ông đã tước đi quyền hạn "trông coi thiên lao" của họ.
Mở rộng quy mô, hành động vượt quá quyền hạn
Nhưng từ sau khi nhà Minh dời đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, Cẩm y vệ lại nhận được lệnh tham gia công việc tuần tra truy bắt. Hơn nữa do phạm vi tuần tra rộng lớn, họ còn nhiều lần mở rộng quy mô.
Đến giai đoạn Minh Anh Tông tới Minh Hiến Tông, Nam - Bắc Trấn phủ ty ngày trước bị Chu Nguyên Chương đề phòng còn tách luôn ra khỏi Cẩm y vệ, có thể trực tiếp tấu xin Hoàng đế trị tội tham quan ô lại.
Còn "lực lượng nòng cốt" của Cẩm y vệ là hộ vệ Binh mã ty và Ngự sử tuần thành của kinh thành cùng bảo vệ Bắc Kinh. Do tính đặc thù của tổ chức, việc tuần tra truy bắt của Cẩm y vệ càng không phân ngày đêm, gần như không giới hạn khu vực.
Bởi thế có thể nói, vào thời kỳ Minh Thái Tổ đến Minh Hiến Tông, đây là giai đoạn Cẩm y vệ đi từ mới tạo dựng rồi đạt đến quyền lực đỉnh cao.
Chức năng của nó đã từ đội ngũ nghi trượng và Cấm vệ quân ban đầu, thay đổi thành một cơ quan quân sự đặc thù do Hoàng đế trực tiếp quản lý, phụ trách trị an của kinh thành và trừng trị tham quan ô lại.
Nhưng trong những năm Hoằng Trị đến Chính Đức, quyền lực của Cẩm y vệ cũng có đôi chút bấp bênh. Khi Cẩm y vệ bôn ba bất kể ngày đêm vì Hoàng đế, Đông xưởng và Tây xưởng cũng đang phục vụ cho Hoàng đế. Do đó hai bên ít nhiều sẽ xảy ra cạnh tranh về "nghiệp vụ".
Khi thái giám Lưu Cẩn đắc thế, xung đột giữa hai bên càng trở nên rõ ràng, Cẩm y vệ ở thế hạ phong. Còn khi Tiền Ninh thống lĩnh Cẩm y vệ, vì ông ta vô cùng được Minh Vũ Tông yêu mến, cho nên Cẩm y vệ lại chèn ép được phe Đông Tây hai xưởng.
Nhờ vào Tiền Ninh, sau bước vào thời kỳ Lục Bính quản lý Cẩm y vệ, quyền lực của tổ chức này càng tiến thêm một tầng cao mới.
Do bản tính kiêu ngạo của Lục Bính, trong giai đoạn này Cẩm y vệ đã lợi dụng quyền lực của mình để chèn ép phe đối lập một cách trắng trợn.
Ông ta còn thu nạp một lượng lớn hào hiệp tráng sĩ ở kinh thành, cài cắm tai mắt khắp nơi trong triều.
Vì thế, trong giai đoạn cực thịnh của Cẩm y vệ, không những Đông Tây hai xưởng phải phục tùng họ, triều thần cũng phải đề phòng những tên "chó săn" đang ngày càng thoát khỏi sự kiểm soát của Hoàng đế này.
Thời điểm ấy, hàng ngày trước khi thượng triều, các quan lại đều phải từ biệt người thân. Nếu như buổi tối an toàn về đến nhà, cả gia đình sẽ đều vui sướng khôn xiết, mừng vì mình lại được sống thêm một ngày.
Còn sau thời Long Khánh, quyền lực của Cẩm y vệ chủ yếu nằm trong phạm vi được quy định, không có quá nhiều hành động vượt quy củ.
Đôi khi Cẩm y vệ cấu kết với Đông Tây hai xưởng, về cơ bản cũng do hai xưởng chiếm quyền chủ đạo. Do đó đến giai đoạn cuối của nhà Minh, Cẩm y vệ gần như trở thành cơ quan lệ thuộc vào hai xưởng, quyền lực của họ cũng kém xa giai đoạn giữa.
Ngoài quyền hạn tuần tra truy bắt, hộ vệ đã được xác định, Cẩm y vệ luôn bôn ba ngoài hoàng cung cũng trở thành kênh kết nối quan trọng để Hoàng đế tìm hiểu dân sinh trên thực tế.
Nhà Minh vốn có Ngự sử tuần án, chuyên phụ trách báo cáo tình hình thực tế của các địa phương lên Hoàng đế. Nhưng vì hoạn lộ của mình, những Ngự sử này thường xuyên trộn lẫn vài điều gian dối vào trong báo cáo.
Bởi thế, cơ quan Cẩm y vệ trực thuộc Hoàng đế đã đảm nhiệm một phần chức năng truyền tin trong quá trình làm việc, phụ trách trả lời Hoàng đế một số tin liên quan đến dân tình không hỏi được từ những viên quan khác.
Xét theo xuất phát điểm, Chu Nguyên Chương muốn có một đội ngũ thị vệ hoàn toàn nghe theo sai bảo của mình. Do đó ông mới giao cho Cẩm y vệ công việc bảo vệ hoàng thành liên quan đến an toàn tính mạng mình.
Cũng bởi những người này có thân thể cường tráng, võ công khá, quan trọng hơn là họ trực tiếp nghe theo lệnh của Hoàng đế, nên Chu Nguyên Chương lại giao thêm trọng trách giám sát quan viên, trừng trị tham quan ô lại cho họ.
Nhưng trong thực tế, khi làm việc, Cẩm y vệ vượt quá những cơ quan tư pháp bình thường khác, dùng thủ đoạn tàn khốc để hoàn thành mệnh lệnh Hoàng đế truyền đạt, điều này đã trực tiếp phá hoại nền pháp chế của nhà Minh.
Hơn nữa do trực thuộc sự quản lý của Hoàng đế, lại là người thân tín bên cạnh Hoàng đế nên Cẩm y vệ dần dần cũng bị cuốn vào tranh đấu quyền lực. Điểm này giống với Đông Xưởng và Tây Xưởng có thái giám là lực lượng chính.
Tóm lại, quyền lực của Cẩm y vệ nếu xét theo quy định chính thức thì chủ yếu là nghi trượng và tuần tra truy bắt.
Nhưng trong quá trình thi hành thực tế, cơ quan quân sự đặc thù thoát khỏi quy định thông thường của chính quyền này còn lạm dụng chức quyền của mình, quấy đảo khiến xã hội Đại Minh càng trở nên rối ren.
Kết quả như vậy không phải là điều Chu Nguyên Chương lường tới được khi thành lập Cẩm y vệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.