Xã Pù Bin nằm trên đỉnh đèo Thung Khe (còn có tên gọi khác là đèo đá trắng). Giữa mùa đông rét mướt, bà con người Thái nơi đây vẫn miệt mài vào rừng kiếm hạt “ma cau” – hạt trẩu để bán.
Chị Lò Thị Hội ở bản Nà Phạt, xã Pù Bin có nhiều năm đi rừng nhặt hạt “ma cau”. Từ đầu vụ đến giờ chị nhặt được nửa tấn hạt trẩu. “Đi núi vất vả, nhưng lại có công cao. Cứ một bao hạt “ma cao” rời khỏi rừng là có vài trăm nghìn đồng dắt túi”, chị Hội chia sẻ.
Hạt trẩu dùng để ép dầu. Cứ vào dịp cuối năm, bà con người Thái ở xã Pù Bin lại tất bật vào rừng nhặt hạt trẩu.
Cũng giống như chị Hội, nhiều phụ nữ người Thái cũng đi nhặt lộc rừng. Hạt trẩu thu về đều do thương lái mua hết. Trao đổi với Danviet, ông Hà Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Pù Bin cho biết: “Hạt trẩu bán cho Trung Quốc với giá 20-30.000đ/1kg. Hầu hết rừng trẩu của xã đã cho hạt. Mỗi khi mùa hạt trẩu chín, bà con nơi đây cũng thu được một khoản tiền không nhỏ”.
Rừng trẩu ở Pù Bin có diện tích hàng chục ha, được bà con chung tay trồng từ hàng chục năm nay, vì thế rừng trẩu thành rừng cộng đồng chung. Ai là dân bản cũng có thể lên rừng nhặt hạt trẩu và đều có trách nhiệm bảo vệ cánh rừng này. Cũng nhờ trách nhiệm chung nên rừng trẩu hiện có hàng trăm ngàn cây trẩu to như cột nhà mà không bị chặt phá, vừa là rừng đầu nguồn tốt, vừa là nguồn thu nhập phụ cho người dân trên địa bàn.
Người dân xã Pù Bin phấn khởi thu hoạch hạt trẩu kiếm tiền tiêu Tết.
Trẩu là loài cây thân gỗ to, cao có thể tới đạt chiều cao tới 8m hay nhiều hơn, thân nhẵn, lá đa dạng. Quả trẩu hình trứng, màu lục, đường kính 3-5cm. Mùa hoa trẩu vào tháng 4, thường ra hoa trước khi lá non xuất hiện.Quả trẩu chín vào khoảng tháng 10. Cứ 1 tấn hạt trẩu sẽ ép cho hơn 300kg dầu. Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ cũng được sử dụng hết: Tinh bột thô làm thức ăn gia súc, các chất hoạt tính sinh học để sản xuất thuốc trừ sâu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.