Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm 1945, Chủ tịch Mao Trạch Đông, người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung Quốc, từ căn cứ địa Diên An bay tới Trùng Khánh, nơi đặt đại bản doanh của Quốc dân đảng, để gặp Tưởng Giới Thạch, Ủy viên trưởng, người đứng đầu Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (Quốc dân đảng). Mục đích của chuyến gặp thượng đỉnh là nhằm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, cùng nhau chống lại sự xâm lược của phát xít Nhật, xây dựng nước TQ mới.
Sau những buổi thảo luận gay go, cuối cùng hai bên đã ký “Hiệp định song thập” (10/10/1945), xác lập sự hợp tác Quốc - Cộng. Trong buổi tiệc chào mừng sự ra đời của bản Hiệp định, đồng thời tiễn Mao Trạch Đông quay trở về Diên An, Tưởng Giới Thạch đã dùng rượu Mao Đài, loại rượu được coi là Quốc tửu của người Trung Hoa, để chiêu đãi Mao Trạch Đông.
Câu chuyện trên chỉ là một trong vô số những chuyện có liên quan tới rượu Mao Đài, một trong những loại rượu cổ truyền ngon nhất, nhưng cũng bí ẩn nhất của Trung Quốc, được người dân Trung Hoa gọi là “quốc gia chi bảo”, hay Quốc tửu.
Rượu Mao Đài chính hiệu được làm ra tại trấn Mao Đài. Đây là một thị trấn nhỏ nằm trong khe núi Dục Để bên bờ sông Xích Thủy (còn được người dân địa phương gọi là sông Mỹ Tửu), cách trung tâm huyện Nhân Hoài (tỉnh Quý Châu) 13 km về phía tây bắc. Do điều kiện địa lý đặc biệt nên thời tiết của thị trấn quanh năm oi ả, không một luồng gió thổi. Bất kỳ du khách nào tới đây cũng đều có cảm giác như thấy cả không gian được bao phủ bởi mùi men rượu nồng nàn bốc ra từ những cái nồi lớn đang chưng cất rượu. Mỗi người dân trấn Mao Đài đều sẽ nói với du khách rằng cái “tiểu khí hậu” của trấn Mao Đài là “độc nhất vô nhị” trên đời. Vì thế nếu rời trấn Mao Đài thì sẽ không bao giờ nấu được loại rượu Mao Đài đích thực.
Theo như sử sách còn ghi, thì vào đời nhà Đường (618-907) tại Trung Quốc đã xuất hiện nhiều loại rượu ngon, trong đó có rượu Hạnh Hoa được làm ra từ thôn Hạnh Hoa (huyện Phần Dương, tỉnh Sơn Tây). Rượu Hạnh Hoa đã được Đỗ Mục, một thi nhân đương thời làm rạng danh trong hai câu thơ nổi tiếng:
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
Tạm dịch: Hỏi thăm quán rượu nào ngon nhất. Mục đồng chỉ đến Hạnh Hoa thôn.
Trong thôn Hạnh Hoa có một thương nhân họ Giả rất sành rượu và rất mê rượu Hạnh Hoa. Mỗi lần đi buôn xa ông ta đều mang theo vài vò rượu Hạnh Hoa để uống, vì cho rằng không loại rượu nào sánh được.
Lần đó họ Giả tới trấn Mao Đài thì gặp phải trời mưa liên tiếp mấy ngày liền, khiến đường bị tắc nghẽn, không về được, ngày ngày uống rượu tiêu sầu, chờ trời nắng ráo. Hôm ấy, mấy vò rượu Hạnh Hoa mang theo đã uống hết, họ Giả đành phải lần đến một tửu quán trong trấn để tìm rượu uống. Người chủ quán đã mang ra nhiều loại rượu khác nhau, nhưng họ Giả chỉ nhấm qua rồi lắc đầu, đòi đổi loại khác.
Thấy ông khách là người vùng khác, nhưng lại tỏ ra rất sành rượu và nho nhã, chủ quán sau hồi lâu đắn đo đã đem tới một bình nhỏ, men màu trắng ngà, miệng trám kín và nói: “Đây là loại rượu đặc biệt được nấu bằng thứ nguyên liệu chỉ vùng này mới có. Khi nấu xong lại được hạ thổ qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông để điều hòa khí vận âm dương, chỉ những người dân tại trấn này mới được dùng. Nay thấy quý khách tuy là người phương xa tới, nhưng rất sành về rượu, nên tôi mạn phép tổ tiên, mời quý khách nếm thử”.
Họ Giả cám ơn, rồi thận trọng rót ra một chén. Vừa đưa lên miệng chưa kịp uống thì đã thấy hương thơm ngào ngạt, hơi men nồng đượm thấm vào gan ruột. Thưởng thức vài chén, họ Giả không ngớt miệng khen ngon.
Lân la hỏi chuyện, được người chủ quán cho biết: Loại rượu này nấu rất tốn công, từ việc lựa chọn nguyên liệu, ủ men, chưng cất… nhất nhất đều phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Vì vậy loại rượu này nấu rất ít, chỉ để dùng trong những dịp đặc biệt trong nhà, không bao giờ bán ra ngoài.
Vốn là người mê rượu và biết nấu rượu, cộng với đầu óc nhanh nhạy của một thương nhân, họ Giả lưu lại mấy ngày, đi thăm thú khắp nơi. Ngắm nhìn những mảnh ruộng cao lương xanh tốt, dòng Xích Thủy hà nước trong vắt chảy qua cánh rừng ngân hạnh, khí trời nồng ấm, thấy nơi đây đúng là “mỹ tửu chi địa”, có đầy đủ điều kiện để tạo ra loại rượu ngon, bèn quyết định mở lò nấu rượu ở đây.
Trở về Hạnh Hoa thôn, thương nhân họ Giả tuyển một nhóm người có tay nghề nấu rượu cao nhất vùng, rồi đưa đến trấn Mao Đài dựng mấy gian nhà mở lò nấu rượu theo phương pháp cổ truyền của thôn Hạnh Hoa. Đồng thời họ Giả cũng tuyển một số người dân địa phương nắm được bí quyết trong quy trình chọn nguyên liệu, ủ men, chưng cất loại rượu của vùng này.
Thế là một loại rượu quý kết hợp được cách nấu với số lượng lớn cũng như cái hương sắc của chất men say rượu vùng Hạnh Hoa với cái tinh túy của nguyên liệu, phương pháp chưng cất hạ thổ bí truyền của rượu trấn Mao Đài ra đời, và được đặt tên là rượu Mao Đài.
5 năm sau kể từ khi mẻ rượu đầu tiên ra lò, những vò rượu Mao Đài hạ thổ được lấy lên mang ra chiêu đãi quý khách nhân ngày khai trương tửu quán chuyên bán rượu Mao Đài, đã làm hài lòng tất cả các vị khách trong trấn Mao Đài cũng như các vị khách thập phương. Kể từ đó, rượu Mao Đài dần trở thành nổi tiếng trên khắp cả nước, được vua chúa của các triều đại Trung Hoa sử dụng. Năm 1915, lần đầu tiên rượu Mao Đài tham gia Hội chợ rượu quốc tế ở Panama, đoạt Huy chương vàng, khiến cho danh tiếng của rượu Mao Đài nổi danh toàn thế giới.
Triệu Minh Quân, chủ một lò nấu rượu tại trấn Mao Đài có mấy chục năm kinh nghiệm, đã cho phóng viên của tờ Trung Quốc tân văn biết: “Loại rượu Mao Đài phổ thông nhất cũng phải được lưu trữ ít nhất là 5 năm mới có thể bán ra. Không thể sản xuất rượu Mao Đài theo phương pháp cơ giới hoặc quy mô hóa.
Sự thần bí của rượu Mao Đài không những chỉ vì nó là loại rượu rất ngon, mà nó còn như một loại thuốc quý. Theo hồi ký của Thượng tướng Dương Thành Vũ (1914-2004), nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, người đã từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh (tức cuộc chuyển quân của Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ vào năm 1935, từ căn cứ Giang Tây ở miền Nam Trung Quốc lên căn cứ Thiểm-Cam-Ninh ở miền Bắc, nhằm tránh sự “vây quét” của Quốc dân đảng, đồng thời cũng là để xây dựng căn cứ chống Nhật), thì vào trung tuần tháng 3/1935, trên đường trường chinh, Hồng quân đã đi qua trấn Mao Đài để vượt sông Xích Thủy.
Khi đó tại trấn Mao Đài có nhiều lò sản xuất rượu, trong đó lò “Mao Đài lão tửu phường” là lò lớn và nổi tiếng nhất. Khi Hồng quân tới, nhiều người đã mang rượu Mao Đài ra úy lạo. Không những thế, họ còn dùng rượu Mao Đài để rửa các vết thương, nhất là các vết thương bị nhiễm trùng cho các thương binh. Với những chiến sĩ quá mỏi mệt do phải chiến đấu liên tục thì được khuyên lấy rượu xoa lên chân tay.
Kết quả thật không ngờ: các vết thương, ngay cả những vết thương bị nhiễm trùng nặng đã khỏi rất nhanh, còn sự mệt mỏi cũng được giải tỏa nhanh chóng. Và đây cũng chính là nguyên nhân để bộ máy tuyên truyền của Tưởng Giới Thạch lu loa lên rằng: “Quân Cộng sản đã dùng rượu Mao Đài để rửa chân”.
Trong suốt thời nội chiến và trong cuộc kháng chiến chống Nhật, tuy rất khó khăn, nhưng trấn Mao Đài vẫn có 3 lò sản xuất rượu thủ công lớn nhất là “Thành Nghĩa thiêu phòng”, “Vinh Hòa thiêu phòng” và “Hằng Hưng thiêu phòng”. Bằng những tìm tòi công phu, đúc rút các kinh nghiệm dân gian, 3 lò này đã góp phần rất quan trọng để danh tiếng của rượu Mao Đài ngày một vang xa. Để ghi nhận công lao những người sáng lập ra 3 lò rượu này, dân trong trấn đã đúc tượng của 3 vị, và những bức tượng này đã được đặt ở vị trí rất trang trọng tại Nhà Bảo tàng rượu của trấn Mao Đài.
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), Ủy ban huyện Nhân Hoài đã mua lại lò “Thành Nghĩa thiêu phòng” với giá 13 nghìn tệ và hợp với 2 lò còn lại để tạo ra Xưởng rượu Mao Đài. Khi xưởng mới thành lập, mỗi năm chỉ sản xuất được chừng hơn 10 tấn. Sau đó quy mô xưởng ngày một phát triển, nhưng mỗi năm cũng chỉ cho ra được trên dưới 200-300 tấn.
Nhưng rồi tình thế đổi thay. Nếu như năm 1957 xưởng sản xuất được 283 tấn thì đến năm 1958 bỗng nhiên tăng vọt lên đến 627 tấn, năm 1959 là 820 tấn, năm 1960 đã lên đến 912 tấn. Nói theo ngôn ngữ của dân trấn Mao Đài thì “Mao Đài phóng vệ tinh”, hoặc: “Mao Đài đại tiến vọt”. Tại sao sản lượng rượu Mao Đài lại gia tăng “đại tiến vọt” như vậy, có phải do tăng giả vờ?
Mãi tới năm 1962, sau khi Bộ Công nghiệp nhẹ Trung Quốc thành lập tổ công tác trực tiếp về Xưởng rượu Mao Đài kiểm tra, thì tình hình mới có biến đổi. Sản lượng rượu từ 912 tấn năm 1960 đã giảm xuống còn 363 tấn năm 1962, và tiếp tục giảm nữa. Rất nhiều công nhân không có tay nghề của xưởng đã được điều đi làm các công việc khác. Mãi đến năm 1978, sản lượng rượu mới lại đạt được 1.000 tấn.
Sau nhiều cố gắng mở rộng quy mô, năm 2003 sản lượng đạt 1 vạn tấn. Theo Ủy ban huyện Nhân Hoài thì kế hoạch năm 2008 sẽ cố gắng đạt 2 vạn tấn (khoảng 20 triệu lít). Đối với một đất nước 1,3 tỉ dân, được coi là cường quốc kinh tế (chỉ sau Mỹ, Nhật và Đức) như Trung Quốc, thì con số trên là không thấm tháp gì. Đó là chưa kể đến yêu cầu dùng cho xuất khẩu. Vì vậy, ngay tại Trung Quốc, để tìm mua được một chai rượu Mao Đài chính hiệu cũng không phải dễ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.