Rượu Vọc: Loại rượu tiến Vua - sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề

Hồng Nhân - Hoài Thanh Thứ ba, ngày 21/06/2022 10:19 AM (GMT+7)
Nhiều sản phẩm OCOP tại Hà Nam được sinh ra từ các làng nghề, trong đó phải kể đến như rượu Vọc, bánh đa nem Làng Chều, bình rượu rồng phượng Phú Thỏa… Việc này đã khẳng định chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP tại tỉnh Hà Nam đem lại hiệu quả tích cực.
Bình luận 0

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm là một nội dung quan trọng trong chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).

Tại Hà Nam, chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian qua đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Nổi bật trong chính sách này phải kể đến các làng nghề truyền thống đã xây dựng được thương hiệu OCOP của riêng mình như rượu Vọc, bánh đa nem làng Chều, bình rượu rồng phượng Phú Thỏa…

Rượu Vọc - sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề - Ảnh 1.

Làng nghề nấu rượu ngon có tiếng tại Hà Nam - làng Vọc có địa chỉ tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Một ngày đầu tháng 6, phóng viên Dân Việt về làng nghề nấu rượu ngon có tiếng tại Hà Nam - làng Vọc có địa chỉ tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Theo đó, rượu làng Vọc đã có từ rất lâu đời. Tương truyền rằng, từ thế kỷ XIII, trên dòng Ninh Giang, thuyền buôn của các thương gia thường xuyên xuôi về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch thập phương.

Rượu làng Vọc cũng nhờ đó đã theo chân các thương nhân vào đến xứ Thanh, xứ Nghệ, lên xứ Lạng, Lào Cai, rồi được cung tiến dâng Vua.

Rượu Vọc - sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề - Ảnh 2.

Rượu làng Vọc là một trong những đặc sản nổi bật của quê hương Hà Nam.

Theo Trần Văn Thắng - Giám đốc HTX rượu Vọc cho biết, đặc trưng của rượu làng Vọc là được nấu bằng loại gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc bắc nấu với gạo nếp.

“Rượu làng Vọc có hương thơm nức, vị đậm đà, ngọt lịm. Để có được một mẻ rượu ngon thì gạo nấu rượu phải là nếp cẩm hay nếp cái hoa vàng vẫn còn nguyên lớp vỏ lụa và lớp cám, sau thu hoạch tầm 3 tháng trở lại là vừa. Việc chiết xuất được những giọt rượu nếp thơm ngon đòi hỏi người làm nghề phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất”, anh Thắng thông tin.

Theo đó, HTX rượu Vọc được thành lập từ năm 2019, thu hút sự tham gia của hơn 70 xã viên với quy mô sản xuất lên đến 100.000 lít/năm.

Rượu Vọc - sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề - Ảnh 3.

HTX rượu Vọc trang bị hệ thống lọc độc tố hiện đại mang lại sản phẩm rượu an toàn.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến không ít làng nghề truyền thống lao đao, nhưng HTX rượu Vọc vẫn phát triển ổn định.

Nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến quy trình, chuyên nghiệp hóa các công đoạn sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ, hiệu quả, sản phẩm rượu truyền thống trên quê hương Bình Lục luôn được chú trọng về chất lượng, tích cực tham gia dự thi, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Anh Thắng chia sẻ: "Chúng tôi luôn trăn trở với mục tiêu đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy tất các các thiết bị lọc, chứa rượu đều được chuyển sang inox để tránh nhiễm độc kim loại.

Bên cạnh đó, từ lịch sử của làng nghề, chúng tôi tham gia vào sản phẩm OCOP với mong muốn đưa sản phẩm rượu ngon, thơm, sạch tới tay người tiêu dùng, đồng thời quảng bá hình ảnh về một làng nghề nấu rượu nổi tiếng tại Hà Nam”.

img
img

HTX rượu Vọc có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Sau nhiều năm phấn đấu, xây dựng thương hiệu, HTX rượu Vọc đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là rượu Vọc và rượu nếp cái hoa vàng, tạo thêm cơ hội cho làng nghề ngày càng phát triển.

Theo anh Thắng, HTX vẫn giữ hương vị thơm, đậm đà nhờ những bí quyết gia truyền nhiều năm qua, sản phẩm rượu Vọc còn tạo được lối đi bứt phá nhờ công nghệ lọc bỏ các độc tố như metanol, aldehyde, kim loại nặng… bằng dây chuyền hiện đại, cho ra những sản phẩm sạch và an toàn với sức khỏe người sử dụng.

Nhờ hướng đi đúng đắn và bền vững này, sản phẩm của HTX ngày càng chinh phục được nhiều người tiêu dùng, xuất bán trong tỉnh và các tỉnh thành trong cả nước.

Rượu Vọc - sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề - Ảnh 5.

Quy trình nấu rượu Vọc tại Hà Nam.

Ngoài ra, với định hướng phát triển theo chương trình OCOP, HTX rượu Vọc xã Vũ Bản luôn trăn trở mục tiêu xây dựng làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Theo đó 1 dự án xây dựng khu làng nghề riêng trên diện tích 1,6 ha đã được Tỉnh Hà Nam phê duyệt và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Sau khi được đưa vào hoạt động, mô hình này được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu để các địa phương khác học tập, giúp đưa thương hiệu làng nghề truyền thống vươn cao, vươn xa hơn nữa.

Những tín hiệu tích cực từ làng rượu Vọc xã Vũ Bản huyện Bình Lục đã cho thấy chủ trương đưa chương trình OCOP vào phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam đang được thực hiện thật sự có hiệu quả.

Sau 3 năm tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, đến năm 2021, tỉnh Hà Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao thuộc 22 chủ thể và có 37 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.

Hiện tỉnh Hà Nam có 58 làng nghề trong đó 32 làng nghề truyền thống.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển OCOP, tỉnh Hà Nam đã có những giải pháp cụ thể như phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời triển khai các chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng…

Việc công nhận và tập trung đầu tư cho các sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem