Sách Đỏ Việt Nam không còn tê giác

Thứ tư, ngày 26/10/2011 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 25.10, Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) chính thức công bố sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam với việc xác cá thể cuối cùng được phát hiện tại Vườn quốc gia Cát Tiên đầu năm 2010.
Bình luận 0

Sách Đỏ Việt Nam không còn tê giác

Kết quả phân tích AND tại Canada về 22 mẫu do nhóm khảo sát của WWF và Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên thu thập, cho thấy tất cả đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại VQG này tháng 4.2010.

"Thật đau lòng khi mà những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học của VN", bà Trần Minh Hiền - Giám đốc WWF VN cho biết.

img
Tê giác Java sắp không còn tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Được biết, hiện nay chỉ còn quần thể tê giác Java duy nhất tại một VQG nhỏ ở Indonesia với gần 50 cá thể. Sự kiện tê giác Java chết ở VN khiến cho hoạt động bảo tồn quần thể này tại Indonesia càng trở nên cấp thiết.

Việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hay cơ quan nhà nước về sự tuyệt chủng của loài tê giác Java ở VN vẫn đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG Cát Tiên thẳng thắn thừa nhận: "Cá thể tê giác Java thuộc quản lý của VQG Cát Tiên. Là người đứng đầu VQG, trách nhiệm trước hết thuộc về tôi". Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên (Lâm Đồng) lại cho biết: "Tôi thực sự bất ngờ và không tin đó là sự thật".

GS Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN, không giấu được nỗi buồn khi cho biết sắp tới trong Sách Đỏ Việt Nam không còn tên loài tê giác Java. Ông bày tỏ: Đây là bài học đau xót cho công tác bảo tồn các loài động vật quý hiếm ở VN. Sự việc đã xảy ra rồi, vì thế chúng ta cũng không nên quá bi quan mà cần phải hành động ngay nhằm bảo tồn các quần thể động vật hoang dã quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như sao la, hổ, voi…".

Nguy cơ mất vườn quốc gia

Theo Giám đốc Trần Văn Thành, việc xây đập thủy điện, phá rừng, săn bắn động vật, thực vật quý hiếm trái phép đang là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của nhiều động, thực vật có trong Sách Đỏ thế giới và VN.

Theo thống kê của VQG Cát Tiên, trung bình hàng năm VQG này đã phát hiện, xử lý 500 vụ vi phạm phá rừng, săn bắn trái phép; mỗi năm có khoảng 50ha rừng ở đây bị mất. Năm 2008, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ 25.000 bẫy, trong đó có 20% bẫy thú lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 250 vụ xâm hại VQG, trong đó khởi tố 3 vụ. "Mặc dù, số lượng các vụ vi phạm đã giảm, nhưng tính chất ngày càng phức tạp, thậm chí có vụ chính kiểm lâm viên cũng tham gia tiếp tay cho bọn phá rừng"- ông Thành lo lắng.

Bà Nguyễn Minh Hiền cho rằng, các đập thủy điện đang làm khô hóa sinh cảnh của động, thực vật ở VQG Cát Tiên. Nếu tiếp tục xây dựng thêm các công trình thủy điện và không hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng tràn lan thì sớm muộn VQG Cát Tiên cũng sẽ bị “xóa sổ”.

Hiện nay, xung quanh VQG Cát Tiên đã có Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và sắp tới sẽ xây dựng Đồng Nai 5. Riêng 2 công trình Thủy điện 6 và 6A được dự báo nếu làm sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái của VQG Cát Tiên. "Các công trình thủy điện đang dần tiến vào vùng lõi của VQG, ảnh hưởng lớn đến sinh cảnh của nhiều động vật vốn đòi hỏi có sinh cảnh lớn như voi, hổ…

Cùng với sự can thiệp quá mức của người dân sống xung quanh VQG (khoảng 200.000 người - PV) thì việc xây dựng các công trình thủy điện đã và đang ảnh hưởng tổng thể đến VQG" - ông Thành nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem